Đồng USD đã phục hồi gần 1 tuần qua. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn cho rằng đồng USD sẽ giảm trở lại bởi các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Fed.
>> Tỷ giá ngày 18/8: USD giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (24/8) ở mức 23.212 VND/USD, tăng 2 đồng so với ngày 21/8.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.118 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB và HDBank cũng niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.250 VND/USD.
So với cuối tuần trước, BIDV và Vietinbank điều chỉnh giá USD lên lần lượt 5 đồng và 3 đồng ở cả hai chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, tám đồng được điều chỉnh giảm so với cuối tuần trước, trong đó GBP giảm mạnh nhất 1,07%. Riêng USD và HKD đứng giá.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), sáng nay giảm nhẹ tuy nhiên vẫn giữ vững mốc hỗ trợ 93 điểm.
Các nhà giao dịch đang xem xét kỹ các dữ liệu để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Tâm lý đối với đồng USD tiếp tục được cải thiện phần nào do dữ liệu hỗ trợ về hoạt động kinh doanh và doanh số bán nhà tại Mỹ, nhưng vẫn có những lo ngại rằng bổ sung biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể là cần thiết để giữ đà tăng trưởng kinh tế tại nước này.
Thêm nữa, các nhà đầu tư hy vọng vào một gói giải cứu Covid-19 khác từ Quốc hội Mỹ để giúp duy trì sự phục hồi kinh tế nước này, nhưng các cuộc đàm phán giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã rơi vào bế tắc trong những tuần gần đây.
Thị trường tiền tệ hôm nay cho thấy ít phản ứng trước việc cấp phép của cơ quan chức năng tại Mỹ đối với phương pháp sử dụng huyết tương từ người nhiễm Covid-19 đã bình phục làm phương pháp điều trị. Nhiều nhà phân tích cho rằng giới đầu tư đang chờ đợi tin tức chính xác về một loại vắc-xin đáng tin cậy.
Junichi Ishikawa, Chuyên gia ngoại hối tại IG Securities ở Tokyo, cho rằng, “Có thể có sự phục hồi của đồng USD trong ngắn hạn, đặc biệt so với đồng Euro. Tuy nhiên, trong dài hạn, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục giảm vì Fed phải cam kết nới lỏng tiền tệ trong một thời gian rất dài”.
So với đồng USD, đồng Euro đã trượt khỏi đỉnh 2 năm từ ngày 19/8 và hiện đang giữ mức 1,1813 USD. Đặc biệt, chính phủ và giới chức y tế các nước châu Âu vừa cảnh báo châu lục này đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Pháp, Đức và Italy gần đây ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày cao nhất kể từ mùa xuân, trong khi Tây Ban Nha đối mặt đợt bùng phát lớn. Những ca nhiễm mới ở châu Âu, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, tập trung ở nhóm người trẻ tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người trong độ tuổi 15-24 nhiễm Covid-19 ở châu Âu đã tăng từ khoảng 4,5% lên 15% trong 5 tháng qua.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell sẽ thảo luật về chính sách tiền tệ vào thứ Năm tại ngày khai mạc hội nghị chuyên đề thường niên của Fed ở thành phố Kansas. Và do dịch bệnh nên năm nay cuộc họp sẽ được tổ chức trực tuyến.
Việc nới lỏng định lượng mà Fed triển khai cho đến nay đã khiến các thị trường tài chính tràn ngập và dư thừa thanh khoản, từ đó đè nặng lên đồng USD. Không chỉ ở Mỹ, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã đồng loạt gia nhập làn sóng nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa chưa từng có để bù đắp lực cản tăng trưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, điều này có thể làm trì hoãn thêm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.