Giá vàng đang chịu áp lực lớn từ đà tăng giá của đồng USD. Theo đó, chỉ số đồng USD hôm qua đã lấy lại mốc 93 điểm và đang tăng mạnh tiếp vào sáng nay.
>> Dự báo giá vàng tuần 7 – 11/9: Khó bứt phá khi đồng USD ‘đè nặng’
Giá vàng thế giới
Thị trường vàng hôm qua dường như trầm lắng hơn so với các phiên giao dịch thường ngày khi thị trường tài chính Mỹ đóng cửa trong kỳ nghỉ Lễ lao động của họ. Giá vàng giao dịch trong khoảng hẹp 1.924 – 1.937 USD/ounce. Đến đầu phiên châu Á sáng nay, giá vàng ngày 8/9 đang ở mức 1.926,9 USD/ounce.
Kim loại quý đang chịu áp lực lớn từ đà tăng giá của đồng USD. Theo đó, chỉ số đồng USD đã lấy lại được 93 điểm vào hôm qua và đang tiếp tục tăng mạnh vào sáng nay.
Trong báo cáo ngắn của Commerzbank mới đây, các nhà phân tích cho rằng dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ được công bố cuối tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,4% và điều này có thể đè nặng lên vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, họ lưu ý thêm rằng dữ liệu lạm phát được công bố vào cuối tuần này sẽ cũng cung cấp động lực tăng giá dài hạn cho kim loại quý.
Thêm nữa, thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,4% vẫn cao hơn gấp đôi so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết, “Hơn nữa, Fed gần đây đã nhấn mạnh rằng họ sẽ không tăng lãi suất vì tỷ lệ thất nghiệp thấp, mà chỉ khi áp lực lạm phát gia tăng. Do đó, dữ liệu thị trường lao động sẽ không làm thay đổi chính sách tiền tệ của Fed, đặc biệt là khi sự gia tăng số lượng việc làm mới được tạo ra đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp và thậm chí không bằng một nửa số lượng việc làm khồng lồ bị mất trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020 ở Mỹ”.
Nhìn vào lạm phát, theo Ngân hàng Commerzbank, họ sẽ quan tâm xem liệu đà tăng lạm phát của tháng 7 có tiếp tục vào tháng 8 hay không.
“Dữ liệu tháng 7 đã cao một cách đang ngạc nhiên. Nếu điều này tái diễn, lạm pháp tăng cao sẽ đẩy lãi suất thực tế xuống sâu hơn”, Ngân hàng Commerzbank lưu ý.
Mặc dù giá đang phải ‘đấu tranh’ để vượt qua ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce, một số nhà phân tích thị trường vẫn cho rằng, một nền kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 đang tạo ra một sự thay đổi mô hình trong các thị trường tài chính và vốn, điều này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho vàng.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Daniel Pavilonis, Chuyên gia thị trường tại RJO Futures nói rằng mối đe dọa về lạm phát gia tăng và lập trường chính sách tiền tệ mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với mục tiêu lạm phát trung bình là 2%, đồng thời sẽ giữ lãi suất thực thấp hơn. Tất cả những điều này sẽ hỗ trợ vàng trong dài hạn.
Mặc dù thị trường vàng đang ‘vật lộn’ trong khoảng hẹp và thiếu dòng tiền mua vào mạnh, nhưng Pavilonis cho rằng vẫn có một số sức mạnh tương đối trên thị trường khi giá giữ được các mức hỗ trợ quan trọng xung quanh đường trung bình động 50 ngày.
Về giá vàng cuối năm, Pavilonis cho biết ban đầu ông đặt mục tiêu là 2.300 USD/ounce. Cùng với lạm phát, ông nhấn mạnh thêm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể tác động đến quỹ đạo của kim loại quý trong phần còn lại của năm. Căng thẳng địa chính trị sẽ thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn – vàng.
“Nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng một lần nữa tại Quốc hội, họ sẽ thắt chặt hơn một chút về chi tiêu. Ngược lại, nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng lần này, tôi nghĩ họ sẽ áp mức thuế cao hơn. Dù theo một trong hai kịch bản đó, vàng vẫn sẽ tăng giá tốt”, theo ông Pavilonis.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng, giá vàng ngày 8/9 SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 55,7 – 56,5 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ngày 8/9 ở mức 55,85 – 56,3 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm tương ứng 50.000 – 300.000 đồng (bán ra) so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)