Những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm tới vàng. Đồng thời sự suy yếu trở lại của USD cũng hỗ trợ vàng.
>> Dự báo giá vàng tuần 28/9 – 2/10: Cuộc chơi không dành cho ‘kẻ yếu tim’
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tiếp tục đi lên và gần chạm mốc 1.900 USD/ounce trong phiên Mỹ đêm qua. Đến phiên châu Á sáng nay, giá vàng đang ở 1.896 USD/ounce.
Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, thị trường vàng đầu tuần này đang được hỗ trợ bởi sự suy yếu trở lại của đồng USD sau đà tăng mạnh gần đây. Một số nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn đang quay trở lại thị trường kim loại quý.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều và hôm qua. Trong đó, các chỉ số chính trên thị trường Mỹ đồng loạt đi xuống sau ba phiên tăng liên tục trước đó gồm Dow Jones giảm 0,5%; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,5% và 0,3%. Các chỉ số này xuống đáy trong ngày sau khi ông Bill de Blasio, Thị trưởng thành phố New York cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính Covid-19 tại thành phố này đã tăng trở lại lên trên 3% sau nhiều tháng.
Điều này đã cảnh báo các thị trường rằng Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vùng nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
Thêm nữa, giới đầu tư cũng đang hướng sự theo dõi tới cuộc tranh luận đầu tiên trong cuộc bầu cử Mỹ giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden diễn ra vào tối 29/9 theo giờ Mỹ.
Giá vàng giảm 200 USD trong tháng 9, điều mà ngân hàng Wells Fargo đang coi là một cơ hội mua vàng tuyệt vời trong một đợt điều chỉnh được mong đợi.
John LaForge, Trưởng bộ phận chiến lược tài sản thực của Wells Fargo nhận định, “Sau 7 tháng tăng mạnh, vàng đã ‘giảm nhiệt’ vào tháng 8 và tháng 9. Giá vàng giao ngay vào thứ Hai thấp hơn khoảng 200 USD so với mức cao nhất lịch sử 2.075 USD/ounce được thiết lập vào tháng 8”.
Ông LaForge lưu ý rằng sức mạnh của đồng USD trong vài tuần qua là lý do đằng sau sự giảm giá của vàng. “Chúng tôi tin rằng mức giảm 10% này một phần là do sự điều chỉnh sau đà tăng nóng và một phần là do đồng USD. Đợt tăng 37% từ đầu năm đến mức cao nhất lịch sử vào ngày 7/8 là khá ấn tượng. Do đó, sự điều chỉnh của giá vàng chắc chắn xảy ra sau khi mức cao nhất 2011 bị phá vỡ và đạt mức 2.070 USD/ounce vào tháng 8”.
“Chỉ có 5 lần kể từ năm 1980, thị trường vàng chứng kiến mức tăng trên 37% trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Những đà tăng kiểu này rất khó để duy trì và dẫn đến sự hạ nhiệt của vàng”, ông LaForge lý giải.
Trước tháng 9, đồng USD đang trong xu hướng giảm giá đã giúp vàng leo lên mức cao lịch sử mới.
“Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu tháng 8, đồng USD đã ngừng giảm. Và trong những tuần gần đây, nó thậm chí còn bắt đầu tăng cao hơn”, ông LaForge nói.
Tuy nhiên, quan điểm lạc quan của Ngân hàng Wells Farge về vàng vẫn không thay đổi khi ngân hàng này tiếp tục kỳ vọng giá vàng tăng tiếp.
“Phông nền cơ bản có vẻ tốt gồm lãi suất vẫn ở mức thấp, nguồn cung tiền quá mức. Chúng tôi coi thời điểm hiện tại là một cơ hội tốt để mua vàng. Bằng chứng là chúng tôi đã đặt mục tiêu cuối năm 2021, giá vàng có thể lên tới 2.200 – 2.300 USD/ounce”, theo ông LaForge.
Kelvin Tay, Trưởng phòng đầu tư của UBS Global Wealth Management, cho biết, vàng có khả năng đạt tới 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Dù không loại trừ những rủi ro nhất định của vàng, nhưng đây vẫn là loại tài sản an toàn nhất mà các nhà đầu tư có thể trông đợi trong tình cảnh hiện nay.
Còn Credit Suisse cho rằng, vàng đang trong đợt điều chỉnh và có thể xuống tới ngưỡng hỗ trợ 1.714 USD/ounce trước khi tăng mạnh trở lại lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce theo xu hướng tăng dài hạn. Citigroup đánh giá, vàng có thể lên cao kỷ lục trước khi kết thúc năm 2020 do những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng ngày 30/9, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 55,2 – 55,7 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 55,3 – 55,6 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng ở chiều mua vào so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)