Vấn đề được quan tâm nhất là phải thực hiện minh bạch, công khai, kiểm tra giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt và cuối cùng khâu chi trả tiền hỗ trợ.
Đây là trao đổi của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại tọa đàm “Đối thoại – vượt qua đại dịch: Quyết định chưa có tiền lệ” phát sóng trên kênh VTV1 tối 13/4.
Chính phủ đã ban hành một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu người dân bị tổn thương bởi dịch bệnh trong bối cảnh bộn bề khó khăn, khi mà ngân sách Nhà nước đang hết sức eo hẹp và cần nhiều nguồn lực cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục và cách thức triển khai gói hỗ trợ này.
Trong những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô cả nước để thông báo về gói này, đồng thời hướng dẫn lập tức bắt tay triển khai ngay.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài yêu cầu đúng đối tượng, công khai, minh bạch… thì việc triển khai cũng cần được thực hiện rất nhanh, sớm đến tay người thụ hưởng, không được để có độ trễ như một số chính sách khác.
“Chúng tôi phấn đấu để trong tháng 4 sẽ có một số đối tượng như bảo trợ xã hội, hộ người nghèo… được thụ hưởng chính sách. Đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội cũng được triển khai ngay trong tuần này.
Tôi cũng đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội và ngay trong tuần này khi Thủ tướng ký quyết định về tiêu chí và cách làm thì đơn vị nào, cá nhân có đầy đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội có thể trả lời ngay.
Như vậy, về cơ bản, chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là gói hỗ trợ thực hiện 1 lần và chi trọn gói. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ, thì sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm.
Về xác định đối tượng lao động tự do nhận được hỗ trợ Bộ trưởng cho biết: “Việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó, bởi khó định lượng được cái tiêu chí, công việc, nhưng là đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch lần này. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm. Phải tìm cách để làm sao làm nhanh nhất”.
Để khắc phục được những khó khăn đó, trong dự thảo thông tư sẽ trình Thủ tướng vào ngày 15/4 này, dự kiến gồm có 7 nhóm lao động tự do bao gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, làm xe ôm, thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…
Trên cơ sở những đối tượng như vậy, sau khi có quyết định của Thủ tướng sẽ có thông tư của Bộ LĐTB&XH chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.
“Trong quyết định và trong thông tư sẽ hướng dẫn rất kỹ. Ví dụ như đối tượng là người có công thì do ngành LĐTB&XH kê khai và trực tiếp chi trả. Đối tượng thuộc diện nghèo và hộ nghèo thì do UBND cấp xã trực tiếp quản lý kê khai và chi trả. Còn đối tượng thuộc diện mà tạm dừng đóng bảo hiểm thì do bảo hiểm xã hội của cấp huyện chi trả.
Đối với doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động cũng có những ràng buộc nhất định để tránh trục lợi. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được vay khi mà doanh nghiệp này đã trả 50% mức lương thì khi đó mới được vay vốn ưu đãi.
Thứ hai, việc trả lương này không phải trả qua doanh nghiệp, mà trả thẳng cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động. Do đó doanh nghiệp khó có thể trục lợi được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là phải minh bạch, công khai. Phải kiểm tra giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, khâu xét duyệt và cuối cùng khâu chi trả. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Phải kiểm tra, giám sát ở các cấp; việc xử lý vi phạm phải nghiêm minh nhất, mức cao nhất. Phải huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả thống chính trị, đặc biệt là vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể và vai trò giám sát của người dân.
Những người được thụ hưởng phải được công khai ở tổ dân phố, cơ quan, xí nghiệp, cho đến cơ quan thông tin đại chúng. Nếu chúng ta làm đúng và đầy đủ các bước đó chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong thực hiện chính sách”.