Giá vàng ngày 23/7: Không còn xa đỉnh lịch sử 1.920,7 USD/ounce

Với tốc độ tăng giá trong vài ngày qua, vàng không còn xa so với đỉnh lịch sử 1.920,7 USD/ounce vào tháng 9/2011, kèm theo hàng loạt các yếu tố hỗ trợ.

>> Giá vàng ngày 22/7: Trong nước tăng tới 1,2 triệu đồng/ lượng

Giá vàng ngày 23/7: Không còn xa đỉnh lịch sử 1.920,7 USD/ounce

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới hôm qua tiếp tục leo thang và hiện đang tiến sát ngưỡng kháng cự mới 1.880 USD/ ounce. So với cuối tuần trước, giá vàng đã tăng 66 USD/ounce, tương đương 3,6%. Còn giá vàng kỳ hạn tháng 8 hôm qua đã tăng 20,9 USD lên 1.864,4 USD/ounce.

Với tốc độ tăng giá trong vài ngày qua, vàng không còn xa so với mức cao kỷ lục 1.920,7 USD/ounce vào tháng 9/2011. Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco, nhu cầu trú ẩn an toàn, mua kỹ thuật, chỉ số đồng USD liên tục suy yếu, giá dầu thô tăng và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở Trung Quốc và có thể cả Ấn Độ đang thúc đẩy sự leo thang của giá vàng.

Ông cho biết thêm, những người theo dõi thị trường vàng lâu năm biết rằng nhìn vào lịch sử giá trong quá khứ sẽ dự báo được mốc mục tiêu trong tương lai. Theo phân tích kỹ thuật, mốc mục tiêu của kim loại quý tiếp theo là mức cao nhất lịch sử  1.920,7 USD/ounce, đạt được vào tháng 9/2011. Nếu vượt qua ‘chốt chặn’ đó, mức 2.000 USD/ounce sẽ được vàng thách thức.

Thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu thấp hơn vào hôm qua. Các chỉ số chính trên thị trường Mỹ đều tăng điểm gồm Dow Jones tăng 0,6%; S&P 500 tăng phiên thứ 4 liên tiếp và ghi nhận đỉnh 5 tháng với mức tăng 0,6%; Nasdaq Composite tăng 0,2%.

Theo CNBC, Chính phủ Mỹ hôm qua đã  đồng ý trả cho hai công ty dược là Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tổng cộng 1,95 tỉ USD để mua 100 triệu liều vắc-xin Covid-19, nếu loại vắc xin này được chứng nhận là an toàn và hiệu quả.

Thông tin này đã mang đến tâm lý lạc quan cho giới đầu tư trong bối cảnh lo ngại về việc nhiều nơi tại nước này đang dừng việc tái khởi động hoạt động kinh tế hay áp các biện pháp hạn chế trở lại do làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát.

Thêm nữa, thị trường hưng phấn sau những tiến bộ trong thảo luận gói kích thích kinh tế mới tại Quốc hội Mỹ. Theo đó, Đảng Cộng hòa nước này đang xem xét gia hạn chương trình hỗ trợ thất nghiệp ở mức 400 USD/tuần cho tới hết tháng 12/2020. Mức hỗ trợ đang áp dụng trong những tháng qua là 600 USD/tuần.

Căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục có động thái mới khi Bộ Ngoại giao Mỹ đột ngột yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, Texas. Sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên án hành động này của phía Mỹ và cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng.

Sự đổ vỡ và bế tắc gần đây trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ‘đồ thêm dầu vào lửa’ cho đà tăng của giá vàng khi kèm hợp với các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ của Mỹ, cũng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có. Các hành động của Fed có khả năng phá giá đồng USD và điều này sẽ tạo nên ‘cơn gió lớn’ trên thị trường vàng.

Các thị trường bên ngoài quan trọng khác hôm qua cho thấy giá dầu thô Nymex giảm nhẹ sau khi chạm đỉnh 4,5 tháng vào thứ Ba và hiện giao dịch quanh mức 41,3 USD/ thùng. Còn chỉ số đồng USD tiếp tục suy yếu và đang đe dọa mốc hỗ trợ 95 điểm.

Giá vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng ngày 23/7, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 52,38 – 53,38 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 280.000 – 330.000 đồng so với cuối phiên trước.

Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 52,3 – 53,3 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 200.000 – 450.000 đồng so với cuối phiên trước.

(Theo Kitco, SJC)

Next Post

Tỷ giá ngày 23/7: ‘Chốt chặn’ cuối đã mất, USD rớt đáy 2 năm

T5 Th7 23 , 2020
‘Chốt chặn’ cuối cùng 94,89 điểm vào ngày 9/3 đã bị đục thủng. Chỉ số đồng USD đang đe dọa đáy 2 năm bất chấp động thái mới trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Copyright All right reserved

Chuyên mục