Đồng bạc xanh đang phải ‘vật lộn’ để giữ lại thành quả của đợt tăng giá hiếm hoi vào cuối tuần trước sau chuỗi giảm dài nhất trong một thập kỷ.
>> Tỷ giá ngày 7/8: USD tăng nhẹ trước khi có số liệu việc làm Mỹ tháng 7
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (10/8) ở mức 23.215 VND/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của ACB và HDBank đang đứng đầu với 23.100 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB và HDBank cũng niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.250 VND/USD.
So với cuối tuần trước, Sacombank điều chỉnh giá USD giảm mạnh nhất 23 đồng ở chiều mua vào. Techcombank giảm 4 đồng ở cả hai chiều. Riêng Vietinbank tăng 5 đồng ở cả hai chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, tám đồng được điều chỉnh giảm so với cuối tuần trước, trong đó AUD giảm mạnh nhất 0,95%. Riêng USD và HKD đứng giá.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), tiếp tục tăng trong sáng nay.
Đồng bạc xanh đang phải ‘vật lộn’ để giữ lại thành quả của đợt tăng giá hiếm hoi vào cuối tuần trước sau chuỗi giảm dài nhất trong một thập kỷ. Một số chuyên gia cho rằng đồng USD dễ bị tác động bởi bất kỳ tin tức lạc quan nào.
Xu hướng tăng giá mới đây được tạo ra bởi báo cáo việc làm tháng 7 tốt hơn dự báo của Mỹ mới được công bố. Điều này đã đẩy lợi suất của trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn. Tuy nhiên, đồng USD vẫn ghi nhận tuần giảm giá thứ bảy liên tiếp.
Trong một báo cáo ngắn mới đây, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết trong danh mục đầu tư của họ, tỷ trọng của đồng USD đã giảm khi đồng tiền này đang yếu hơn do hậu quả sự gia tăng trở lại số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ đã mở ra một khoảng cách đáng kể trong đà hồi phục kinh tế ngắn hạn, đặc biệt là so với châu Âu.
Ngoài ra, họ còn cho biết thêm JPMorgan đang tăng nắm giữ đồng Euro khi có sự cải thiện cấu trúc trong khuôn khổ chính sách EU sau thỏa thuận về quỹ phục hồi vào tháng 7.
Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ký sắc lệnh hành pháp mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ông Trump cho biết, đây là một trong loạt sắc lệnh hỗ trợ nhằm hạn chế tác động của đại dịch, trong đó có sắc lệnh hỗ trợ khoản nợ của sinh viên, tạm ngừng thu thuế thuế tiền lương, hỗ trợ người dân không bị tịch thu tài sản.
Số liệu về các ca nhiễm bệnh mới nhất tiếp tục tăng làm dấy lên lo ngại rằng tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1% vào tuần trước, nhân tố thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời ở những tài sản khác.
Sự suy yếu của đồng USD thời gian gần đây chủ yếu được thể hiện qua sức mạnh của các đồng tiền tại những thị trường phát triển khác như Euro, Yen hoặc Franc Thụy Sỹ, thay vì các đồng tiền trên thị trường mới nổi.
Các nhà đầu tư đang cảnh giác về sự leo thang căng thẳng Mỹ – Trung mới mặc dù hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán vào ngày 15/8 để rà soát việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Mới đây, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Hồng Kông và Trung Quốc.
Đây là động thái nhằm thực thi Luật tự trị Hồng Kông mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã ký hồi tháng trước yêu cầu trừng phạt các thực thể và cá nhân đã gây hại cho chế độ tự trị của Hồng Kông. Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông đã làm xói mòn quyền tự do chính trị của người dân Hồng Kông và làm dấy lên sự lên án của quốc tế.