Đồng USD được dự báo còn dư địa để tăng giá cao hơn trong ngắn hạn. Vai trò ‘đồng tiền an toàn’ được thúc đẩy hơn sau báo cáo việc làm tháng 8 tại Mỹ.
>> Tỷ giá ngày 28/8: Đồng USD đi ngang sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (7/9) ở mức 23.207 VND/USD, giảm 1 đồng so với ngày 4/9.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của ACB và HDBank đang đứng đầu với 23.100 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB và HDBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.250 VND/USD.
So với cuối tuần trước, duy nhất Vietinbank điều chỉnh giá USD lên 4 đồng ở cả hai chiều.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, sáu đồng được điều chỉnh giảm so với cuối tuần trước, trong đó CHF giảm mạnh nhất với 0,45%. Ba đồng tăng giá gồm AUD, CAD và THB. Riêng USD vẫn đứng giá.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), sáng nay đã tiếp tục đà tăng kể từ đầu tháng 8.
Thị trường ngoại hối có sự trầm lắng hơn so với thường ngày do thị trường tài chính Mỹ đóng cửa cho kỳ nghỉ Lễ Lao động của nước này.
Đồng USD được dự báo còn dư địa để tăng cao hơn trong ngắn hạn. Vai trò đồng tiền an toàn được thúc đẩy hơn sau báo cáo việc làm tháng 8 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước.
Báo cáo này cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ đang chậm lại và tình trạng mất việc làm vĩnh viễn gia tăng khi nguồn hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu cạn kiệt, làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của đà phục hồi nền kinh tế tại Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 8,4% từ 10,2% trong tháng 7.
Theo Masafumi Yamamito, Chuyên gia chiến lược tiền tệ tại Mizuho Securities, “Dữ liệu việc làm cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm và lợi suất Kho bạc Mỹ tăng. Hai điều này đã hỗ trợ đồng USD”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố phân bổ 300 tỷ USD đang có sẵn để thực hiện các biện pháp kích thích khẩn cấp giúp vực dậy nền kinh tế Mỹ. Ông nói thêm khoản tiền viện trợ trên sẽ được gửi đi ngay lập tức một khi các thành viên Quốc hội Mỹ đồng ý phê duyệt.
Ông Trump không tiết lộ khoản tiền 300 tỷ USD đến từ đâu, nhưng Washington Post dẫn lời một quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết, đây là một phần của quỹ hơn 450 tỷ USD mà Quốc hội thành lập tại Bộ Tài chính.
Diễn biến này diễn ra sau các cuộc đàm phán giữa quan chức chính phủ Mỹ và các lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội về gói cứu trợ mới đối phó với dịch bệnh Covid-19 kết thúc mà không đạt thỏa thuận.
Trong cuộc khảo sát của Reuters với 75 chuyên gia ngoại hối toàn cầu, 72% dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong ít nhất 3 tháng tới.
Các chuyên gia này cho rằng, động lực lớn nhất cho đà tăng của đồng USD trong hơn 2 năm qua là môi trường lãi suất hấp dẫn nhưng hiện nay đã không còn. Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố chấp nhận thời kỳ lạm phát cao hơn và tập trung thúc đẩy thị trường việc làm. Động thái chính sách mới của Fed là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới đồng USD trong 4 tháng còn lại của năm.
Khi lãi suất của Mỹ dự kiến được duy trì ở mức thấp lâu hơn như kế hoạch mới của Fed, các chuyên gia dự đoán đồng bạc xanh sẽ còn suy yếu nhẹ trong năm 2021.
Trọng tâm của tuần này sẽ là các quyết định về mặt chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm tới. Hầu hết các nhà phân tích dự báo sẽ không có sự thay đổi trong lập trường chính sách, và họ đang tập trung vào thông điệp mà ECB sẽ đưa ra về lạm phát.
Cặp tỷ giá ngày 7/9 EUR/USD vẫn đang tiếp tục đi xuống sau khi đạt mức cao nhất 2 năm vào đầu tháng 8. Đồng tiền chung giảm giá nhanh sau khi một thành viên của ECB, ông Philip Lane cho biết vào tuần trước rằng sự tăng giá của đồng Euro ‘có ý nghĩa’ đối với chính sách tiền tệ, cho thấy tiềm năng nới lỏng hơn nữa từ ngân hàng.
Cặp tỷ giá GBP/USD cũng đang giảm. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Vương quốc Anh David Frost nhấn mạnh nước này sẽ không trở thành “quốc gia phụ thuộc” theo điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại hậu Brexit nào được ký kết với Liên minh châu Âu (EU).
Những lo ngại đang gia tăng về khả năng hai bên không đạt thỏa thuận có thể gây thêm bất ổn kinh tế, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến các nền kinh tế châu Âu chịu thiệt hại lớn. Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trong tuần tới, phía Anh cho rằng sẽ không đạt được nhiều tiến triển do EU thiếu linh hoạt.