Làm thế nào mà một quốc gia có nguồn lực hạn chế đối mặt được với đại dịch toàn cầu khi ngay cả các quốc gia phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe tân tiến cũng trở nên quá tải là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra cho Việt Nam thời gian qua.
“Trong khi sự bùng phát của Covid-19 có thể tàn phá một đất nước nghèo hơn và đang phát triển là điều được dự báo trước thì Việt Nam lại hiện lên là ngọn hải đăng, làm được nhiều hơn với nguồn lực ít hơn”, tác giả Sean Fleming viết trên trang của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF).
Sớm xác định nguy cơ và phương châm phòng chống dịch
Khi mà gần như toàn bộ 96 triệu người dân Việt Nam đang tận hưởng không khí của Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp chiều mùng 3 đã nhấn mạnh “Chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Dịch bệnh khi ấy đang bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc và được dự báo sẽ sớm lan sang Việt Nam do Việt Nam có nhiều du khách Trung Quốc cùng đường biên giới dài giữa hai nước.
Theo dữ liệu từ WEF, tại Ý hay Tây Ban Nha, số lượng bác sĩ trên 10.000 người dân là 41 người, tại Mỹ là 26, Trung Quốc có 18 còn tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn 8 người. Dù vậy, Việt Nam hiện vẫn kiểm soát sự bùng phát tốt trong khi ‘phát súng’ từ Covid-19 liên tục nổ ra tại những quốc gia phát triển.
Tác giả John Reed và Pham Hai Chung trong bài viết trên Financial Times cuối tháng trước nhận định Việt Nam đã quyết liệt phòng chống dịch bệnh trong điều kiện hạn chế nguồn lực nhưng với lãnh đạo đầy quyết tâm và xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Việt Nam tập trung vào việc cô lập các ca nhiễm, từ đó lần theo hành trình di chuyển của những người nhiễm bệnh (F0) để tìm ra những người tiếp xúc trực tiếp (F1), những người tiếp xúc gián tiếp thông qua F1 (F2). Động thái này khác với quốc gia giàu có như Hàn Quốc đã làm là tiến hành xét nghiệm hàng loạt.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cấp cao tại Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, phân tích cho biết, việc xét nghiệm hàng loạt rất tốt nhưng phụ thuộc vào nguồn lực của mỗi quốc gia.
“Điều quan trọng là cần biết được số người có thể đã tiếp xúc với F0 hoặc những người trở về từ vùng dịch, sau đó tiến hành xét nghiệm trên những người này”.
Tính đến 6h ngày 4/4/2020, Việt Nam có tổng cộng 239 ca nhiễm Covid-19, trong đó tổng số ca bình phục là 85 và chưa hề ghi nhận ca tử vong.
Tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân ở Việt Nam hiện là 2 trong khi bình quân thế giới là 141 người. Cùng thời điểm, toàn thế giới đã ghi nhận gần 1,1 triệu ca nhiễm với gần 60.000 ca tử vong.
Kể từ đầu tháng 2 tới nay, một loạt các biện pháp có mức độ thắt chặt và nghiêm ngặt hơn đã được đưa ra. Các chuyến bay đến và đi từ vùng có dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc đã tạm dừng và sau này, một số hãng bay đã quyết định dừng khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế.
Kể từ ngày 18/3/2020, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh trong khoảng thời gian 30 ngày.
Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao) khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với vi rút Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận.
Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung, Việt Nam cũng thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.
Các trường học thuộc các cấp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nghỉ học kéo dài kể từ sau Tết Nguyên đán. Các tỉnh khác sau đó cũng tiến hành tương tự.
Giữa tháng 2, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc tiến hành phong tỏa một khu vực khi Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận tới 11 ca dương tính với Covid-19 do nhiều công nhân từ Vũ Hán trở về.
Thực hiện cách ly xã hội toàn quốc
Mới nhất, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hay dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Ngay từ thời gian đầu, Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi từ các quan chức về y tế trên thế giới giữa bối cảnh nhiều nước bị chỉ trích vì phản ứng chậm hoặc tuyên bố miễn nhiễm với dịch bệnh.
Tác giả John Reed và Pham Hai Chung trên Financial Times nhận định thành công của Việt Nam tới nay phụ thuộc vào sự huy động toàn lực của y tế và quân sự, giám sát và xâm nhập cũng như hệ thống thông tin – những điều khá “xa xỉ” với xã hội Mỹ hay châu Âu.
Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa ra thông điệp, người dân liên tục nhận được những thông tin cập nhật ca nhiễm, các phương thức phòng chống thông qua tin nhắn. Việt Nam thậm chí còn có bài hát, điệu nhảy về phòng chống vi rút Corona được người dân nước ngoài yêu thích.
Trên các mạng xã hội, nhiều bức ảnh biểu ngữ, khẩu hiệu được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Mới đây, các nhà mạng còn chuyển đổi hiển thị tên trên các di động cá nhân thành thông điệp #Hay o nha! nhằm kêu gọi mọi người hạn chế ra đường trong thời điểm hiện nay.
Rõ ràng, sự minh bạch, cởi mở từ cấp lãnh đạo đã gia tăng niềm tin từ người dân trong trường hợp của Việt Nam, từ đó huy động nguồn lực toàn dân để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.
“Và quan trọng nhất, yếu tố quyết định có lẽ là sự cởi mở thực tâm và khẩn thiết của Chính phủ trong việc đặt hạnh phúc và bảo vệ cuộc sống người dân lên trên tất cả những toan tính chính trị”, TS. Lê Vĩnh Triển và TS. Nguyễn Quỳnh Huy, Đại học Kinh tế TP. HCM viết trên The Diplomat.
Mới đây, theo kết quả khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục, công bố ngày 30/3, thì “so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới”.
(Theo TheLEADER)