Để hạn chế nợ xấu tăng, tín dụng đang được hướng đến phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, có nền tảng tài chính vững mạnh, thay vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay lĩnh vực tiêu dùng tín chấp.
>> Lợi nhuận Vietcombank có thể giảm sâu trong nửa cuối năm 2020
Ngân hàng hướng đến doanh nghiệp lớn
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm nay, Ngân hàng cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo hỗ trợ mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, nợ xấu của ACB vẫn tăng 32%, lên mức 1.918 tỷ đồng, cho dù dư nợ tín dụng chỉ tăng 5,6%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68% tính đến hết tháng 6.
Do tác động bởi dịch Covid-19 nên cầu tín dụng năm nay chậm, nợ xấu tăng, trong khi dư địa cho vay vẫn còn (mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 11,75% năm nay) nên ACB không xin tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tương tự, các ngân hàng BIDV,
VietinBank và Agribank cũng không xin nới thêm room tín dụng.
Nhận định đưa ra bởi các nhà phân tích tài chính – tiền tệ cho rằng, sức cầu tín dụng những tháng cuối năm sẽ khó có thể đột biến so với nửa đầu năm 2020. Tín dụng sẽ hướng đến phân khúc khách hàng có sức “đề kháng” tốt và khả năng trả nợ cao, mà hạn chế rót vào những lĩnh vực nhiều rủi ro.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng chia sẻ, khó khăn của đại dịch buộc ngân hàng phải tái cơ cấu danh mục tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng. Hiện ngân hàng đã dừng cho vay tiêu dùng tín chấp và mua ô tô.
Theo vị này, mặc dù đều là những phân khúc tín dụng tiềm năng, nhưng trước diễn biến khó khăn hiện nay, thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng, chưa kể đến tình trạng thất nghiệp sẽ làm giảm, thậm chí mất khả năng trả nợ vay nên rủi ro cao. Mặt khác, ô tô là loại tài sản nhanh chóng mất giá trị, đây là lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát mãi tài sản bằng ô tô thời gian qua, bên cạnh nhà đất.
Không chỉ ngân hàng trong nước, mà nhiều ngân hàng ngoại cũng đã dừng cho vay mua ô tô, chuyển sang cho vay mua nhà hay phát hành thẻ tín dụng như HSBC Việt Nam.
Trong báo cáo triển vọng quý III/2020 của ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra nhận định, các ngân hàng đã giảm cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), cho vay tiêu dùng, thay vào đó là tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn.
Theo BSC, các SME là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh giãn cách xã hội cùng việc suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Nhiều SME đã phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản. Trong quý I/2020, số lượng SME gặp khó khăn phải dừng hoạt động cũng như giải thể đã tăng 10,8% so với cùng kỳ 2019, các doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động cũng giảm 1,5%. Đây là lý do khiến ngân hàng e ngại rót vốn tín dụng cho các SME.
Bên cạnh đó, BSC cũng nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ảnh hưởng tới nhu cầu vay và khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân. Hiện nay, tỷ trọng cho vay cá nhân chiếm khoảng 43% cơ cấu cho vay toàn hệ thống ngân hàng, nên việc giảm lương cùng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn làm giảm khả năng trả nợ của người dân. Trên thực tế, nửa đầu năm 2020, các ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân và SME, tập trung cho vay các doanh nghiệp lớn, có sức đề kháng tốt trong dịch. Việc tập trung vào cho vay mảng ít rủi ro hơn sẽ giúp ngân hàng tránh được các cú sốc về nợ xấu.
Dẫu vậy, BSC cho rằng, mức độ thay đổi sẽ không lớn, khi mức giảm tỷ trọng cho vay SME chỉ từ 24,9% trong năm trước xuống 24,5% trong năm nay, tỷ trọng cho vay cá nhân giảm từ 44% xuống 43%, còn tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp lớn tăng từ 31,2% lên 32,5%.
Còn theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu trong những tháng cuối năm do cả nước đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai, trong khi các ngân hàng khó có thể hạ tiêu chí cấp tín dụng để tăng huy động vốn trong bối cảnh thanh khoản dư thừa. Vì thế, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, còn tín dụng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước, cho dù điều này có thể khiến biên lãi ròng (NIM) cho vay giảm mạnh.
Tín dụng khó tăng mạnh mùa cao điểm cuối năm
Nghiên cứu về ngành ngân hàng dưới tác động của Covid-19 vừa được Vietnam Report công bố cho thấy, 69% ngân hàng đánh giá triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019, có 15% ngân hàng cho rằng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của năm trước và chỉ 8% nhận định tăng trưởng khả quan.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo – Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa thực hiện cũng cho biết, các tổ chức tín dụng đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% cả năm, giảm mạnh so với kỳ vọng 2 kỳ điều tra trước.
Cụ thể từng ngân hàng, Eximbank điều chỉnh mục tiêu tín dụng năm 2020 âm 4%, nhưng đi qua nửa đầu năm, dư nợ đã âm đến 8%. Điều này được ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank lý giải là do tác động của dịch bệnh, cầu vốn khách hàng giảm, nên tín dụng của cả khối khách hàng doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân khó tăng.
Mặt khác, Eximbank còn đẩy mạnh tập trung tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng theo chủ trương của Nhà nước, thận trọng giải ngân vào những lĩnh vực rủi ro trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng vì tác động của dịch bệnh, khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng càng giảm.
Nhiều ngân hàng khác cũng trong tình cảnh tăng trưởng tín dụng âm trong nửa đầu năm nay như Agribank (-1,3%), SeABank (-1%), Saigonbank (-2,97%)…, hay không tăng như BAC A BANK.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tính đến ngày 28/7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 3,45% (cùng kỳ tăng 7,13%), trong khi huy động vốn tăng 5,31% cùng với việc không có giao dịch trên thị trường mở trong nửa đầu tháng 8 khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cho hay, 8 tháng đầu năm 2020, tín dụng trên địa bàn tăng 3,68%, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cùng thời điểm của 3 năm gần đây, tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng tới 8,5-12,5%.
Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, tín dụng là nguồn thu lớn nhất đóng góp vào tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay để tăng tín dụng bởi điều này dễ dẫn tới nợ xấu tăng, kéo theo dự phòng tăng, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận, thay vào đó sẽ càng cẩn trọng trong giải ngân mới.
Về nới room tín dụng, có nhà băng không xin thêm, thì cũng có ngân hàng được cấp mới. Cụ thể là Techcombank, VIB, MB, VPBank, TPBank đều đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng room tín dụng thêm lần lượt 6%, 8,25%, 10%, 10,7% và 12,5% trong nửa cuối năm. Trong đó, Techcombank và VPBank được nâng hạn mức tín dụng năm nay lên mức cao nhất là 19% và 23%. Sacombank cũng được nới room tín dụng lên 14%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng nhằm tạo điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7/2020, qua đó thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, với đà tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm và tình hình thị trường hiện nay, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ khó tăng mạnh trong nửa cuối năm và ngân hàng chưa hẳn đã sử dụng hết room tín dụng được nới thêm, thậm chí còn phải thận trọng hơn khi cho vay để tránh nợ xấu tăng.
(Theo ĐTCK)