Tòa án Đức đã cấm Ngân hàng trung ương nước này (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá ba tháng.
>> Tỷ giá ngày 5/5: Động thái trả đũa tiếp theo của Mỹ sẽ gây ‘sóng lớn’
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (6/5) ở mức 23.254 VND/USD, giảm 8 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 10h sáng nay, giá mua vào USD của VPBank tiếp tục đang đứng đầu với 23.370 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB và VPBank vẫn niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.500 VND/USD.
So với sáng qua, VPBank và HDBank đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 20 đồng ở cả hai chiều. Techcombank tăng 19 đồng. Vietcombank, BIDV và MB đều tăng 10 đồng. Vietinbank tăng 1 đồng. Riêng Sacombank tăng 10 đồng ở chiều mua vào và giảm 1 đồng ở chiều bán ra.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì sáu đồng được điều chỉnh giảm so với sáng qua, trong đó CHF tụt mạnh nhất với 0,7%. Còn trong bốn đồng tăng giá, EUR lên nhiều nhất với 0,38%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD tiếp tục tăng 0,37% vào thứ Ba khi chứng khoán Mỹ tăng điểm.
Một số nhà phân tích cho rằng kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 hồi tháng 3, đồng USD đã phát triển trong mối tương quan tích cực với chứng khoán Mỹ. Trước đó, thông thường, đồng USD có xu hướng tăng khi chứng khoán giảm và thị trường tài chính đang bị căng thẳng.
Mặc dù, đồng USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn và tăng giá khi có sự hỗn loạn trên thị trường, nhưng các nhà phân tích nhận định không còn ngạc nhiên khi nó cũng di chuyển song song với các tài sản rủi ro.
Theo Mazen Issa, Chuyên gia phân tích tiền tệ tại TD Securities ở New York, đã có sự mất kết nối giữa cổ phiếu và kinh tế. Vì vậy, cho dù có sự lạc quan do giá dầu tăng mạnh trở lại và việc gỡ bỏ hạn chế giúp các hoạt động kinh tế trở lại ở một số nơi thuộc Mỹ và châu Âu, thì đồng USD vẫn tăng, phần lớn gắn liền tương đối với đà tăng của cổ phiếu. “Đây là tình huống chúng ta đang gặp phải lúc này”, ông Issa nhận định.
Tòa án Đức hôm qua ra phán quyết nêu rõ chương trình kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát động từ năm 2015 là trái với luật pháp Đức. Theo đó, kế hoạch thu mua trái phiếu có tên Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ECB có thể can dự vào chính sách kinh tế (thay vì chính sách tiền tệ) cũng như hỗ trợ trực tiếp chính phủ của các nước châu Âu, trong khi cả hai điều này ECB đều bị cấm thực hiện.
Do đó, tòa án này cấm Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá ba tháng, trừ phi ECB có giải thích rõ ràng hơn. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng hành động của ECB, bởi Bundesbank là cổ đông lớn nhất và chiếm phần đáng kể khối lượng mua trái phiếu chính phủ của ECB.
ECB triển khai kế hoạch trên trong giai đoạn năm 2015 – 2018 để mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác trị giá khoảng 2.600 tỷ euro, trong số này trên 2.100 tỷ euro đã được chi cho chương trình PSPP.
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án Đức không liên quan tới chương trình kích thích nền kinh tế đang được ECB áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tin tức này đã đẩy đồng Euro xuống 1,0826 USD, mức thấp nhất trong 1 tuần qua và giảm xuống đáy 3 năm so với đồng Yên là 115,09 khi một lần nữa thị trường phải đặt ra câu hỏi về sự bền vững lâu dài của Liên minh châu Âu
Mặt khác, cặp USD/JPY tiếp tục sụt giảm xuống mức 106,54 vào thứ Ba, mức đáy trong 7 tuần qua. Một số nhà phân tích cho rằng đồng yên sẽ tiếp tục trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trng cuộc khủng hoảng hiện nay. Đặc biệt là khi căng thẳng leo thang lần nữa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với diễn biến mới, Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích của Kitco cho rằng sự việc có khả năng dẫn đến tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc trong vài năm qua trở nên nhỏ nhặt, mà thậm chí có thể khởi động một cuộc chiến tranh lạnh mới như Mỹ – Liên Xô vào bốn thập kỷ trước.
(Cafefin tổng hợp)