Chứng khoán ngày 7/5: VN-Index tiến sát mốc 800 điểm sau 2 tháng

Tái diễn kịch bản phiên trước, thị trường ghi nhận bầu không khí hưng phấn lan tỏa vào cuối phiên giúp VN-Index tăng vọt và đóng cửa tại đỉnh ngày 796,54 điểm.

>> Chứng khoán ngày 6/5: Tâm điểm VHM – Khối ngoại bán ròng khủng

Biểu đồ VN-Index ngày 7/5.
Biểu đồ VN-Index ngày 7/5.

HOSE – SAB tăng trần

Tiếp nối đà tăng hôm qua, chỉ số VN-Index vọt lên vùng 786 điểm ngay sau phiên ATO sáng nay, cao hơn 4 điểm so với tham chiếu. Mặc dù số mã mang sắc xanh trên bảng điện tử chỉ có 150 và không chiếm số lượng áp đảo nhưng rổ VN30 lại có 22 mã tăng giá với sự dẫn dắt của SAB và CTD với 3%.

Dường như sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 780 điểm, tâm lý hưng phấn quay trở lại thị trường sau 2,5 tuần vắng bóng. Nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền ở mức giá cao và tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn. Điều này giúp chỉ số chính nhanh chóng đục thủng ngưỡng kháng cự tiếp theo 790 điểm và lên vùng 792 điểm vào lúc 10h40, cao hơn 10 điểm (+1,3%) so với tham chiếu.

Áp lực xả hàng trên ngưỡng kháng cự mới là điều khó tránh khỏi khiến VN-Index điều chỉnh nhẹ và tạm dừng phiên sáng ở 790,37 điểm, tăng 7,78 điểm (+0,99%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm 47%, đạt 2,29 nghìn tỷ đồng, tương đương 132,9 triệu đơn vị. Nếu không tính giao dịch thỏa thuận đột biến của VHM sáng qua, thì giá trị giao dịch sáng nay đã tăng nhẹ 6%.

Tái diễn kịch bản chiều qua, thị trường ghi nhận bầu không khí hưng phấn lan tỏa rộng vào nửa cuối phiên giúp chỉ số VN-Index tăng vọt và đóng cửa tại đỉnh ngày 796,54 điểm, tăng 13,95 điểm (+1,78%) so với tham chiếu. Đây là mức chốt ngày cao nhất trong gần 2 tháng qua kể từ phiên 11/3.

Chốt phiên hôm nay có 215 mã tăng và 130 mã giảm giá, trong đó, 18 mã tăng trần và 9 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 27 mã tăng giá, trong đó SAB tăng trần. Ngoài ra, chín cổ phiếu tăng trên 3% gồm VCB, BID, HPG. Ngược lại, ba mã giảm giá gồm HDB, VRE và ROS nhưng đều trên dưới 1%.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng chủ yếu tăng giá trừ HDB giảm nhẹ. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index 5,2 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu Vingroup có VIC và VHM tăng nhẹ và VRE giảm dưới 1%, nên nhóm này đẩy chỉ số chính lên thêm 1,4 điểm ảnh hưởng. 

Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB, HPG, VNM và GVR là bốn mã góp phần đáng kể cho chỉ số chính với 4,8 điểm ảnh hưởng.  

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 12% về lượng và 31% về giá trị so với phiên trước, đạt 240,8 triệu đơn vị, tương đương 4,37 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,3 triệu đơn vị, tương đương 750,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HPG (+6,3%) với 14,7 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là STB (+2,2%) với 12,2 triệu đơn vị và HSG (-2,3%) đạt 9,37 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 26 liên tiếp với 120,34 tỷ đồng, tương đương 8,11 triệu đơn vị, giảm 95% về giá trị và 83% về lượng so với phiên trước.

Trong đó, HPG dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 40,24 tỷ đồng, tương đương 1,74 triệu đơn vị. VNM theo sau được mua ròng 40 tỷ đồng; VPB với 14,4 tỷ đồng; PLX với 13,77 tỷ đồng. Các mã còn lại đều được mua ròng dưới 10 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là SVC với 27,9 tỷ đồng, tương đương 377 nghìn đơn vị. Tiếp đến, VIC bị bán ròng 22,55 tỷ đồng, VRE với 20,49 tỷ đồng, BVH với 19 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, RIC (CTCP Quốc tế Hoàng Gia) tăng 324 lần; VSH (CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh) tăng 24,9 lần; C47 (CTCP Xây dựng 47; đóng cửa giá trần) tăng 9,4 lần; HT1 (CTCP Xi măng Hà Tiên 1) tăng 5,7 lần; SVC (CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn; giá trần) tăng 5,2 lần; TNC (CTCP Cao su thống nhất; giá trần) tăng 5,1 lần; PHC (CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings) tăng 4,3 lần.

HNX – Đóng cửa ở vùng 108 điểm

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, sự tích cực chung trên toàn thị trường cũng lan tỏa tới chỉ số HNX-Index khi liên tục đi lên và đóng cửa ở mức đỉnh ngày tại 108,31 điểm, tăng 1,65 điểm (+1,55%), với 42 mã tăng giá và 35 mã giảm giá.

SHB (+3,87%), VCS (+5,36%) và ACB (+1,92%) là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 1,1 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 11% về lượng nhưng tăng 14% về giá trị so với phiên trước, đạt 46,7 triệu đơn vị, tương đương 474,6 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (+5,6%) dẫn đầu sàn khi đạt 5,1 triệu đơn vị. NVB (+1,3%) theo sau với 3,35 triệu đơn vị, ACB (+1,9%) đạt 2,9 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 6,79 tỷ đồng, tương đương 743,45 nghìn đơn vị, giảm 72% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 3,13 tỷ đồng, tương đương 48,95 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 25 mã và dẫn đầu là SHB đạt 4,35 tỷ đồng, tương đương 2755,09 nghìn đơn vị.    

Trên sàn Hà Nội hôm nay, duy nhất mã TDN (CTCP Than Đèo Nai) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục tốt trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh vẫn chỉ ở mức thấp với khoảng gần 4.000 tỷ đồng trên hai sàn. Khối ngoại duy trì đà bán ròng với gần 130 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm tiêu cực. Rõ ràng, đà tăng của thị trường trong hai phiên trở lại đây đều nhờ lực cầu từ các nhà đầu tư trong nước.

Sau phiên tăng hôm nay thì VN-Index hiện vẫn nằm trong vùng kháng cự trong khoảng 780-800 điểm (fibonacci retracement 38,2% – ngưỡng tâm lý) và đây cũng là gap down giữa hai phiên 11/3 và 12/3 nên những rung lắc có thể diễn ra trong thời gian tới.

SHS dự báo, trong phiên cuối tuần 8/5, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co khi tiến tới ngưỡng kháng cự tâm lý quanh 800 điểm. Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng 800 điểm để giảm dần tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm.

Trong khi đó, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi thử thách vùng kháng cự mạnh 800-820 điểm trong phiên cuối tuần. Nếu tiếp tục vượt qua vùng kháng cự quan trọng này, chỉ số sẽ có cơ hội bước vào nhịp tăng điểm mới với đích đến 860-880 điểm trong thời gian tới.

Hoạt động bán ròng kéo dài của khối ngoại sẽ là yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và có thể tạo áp lực chốt lời khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng sẽ là yếu tố có thể tác động không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu.

Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nền duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 20-30% cổ phiếu. Thêm nữa, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua trading với tỷ trọng thấp khi chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ 780-790 điểm.

Next Post

Thị trường tiền ảo khởi sắc, Bitcoin vượt ngưỡng 10.000 USD

T6 Th5 8 , 2020
Sự tích cực đang lan tỏa khắp thị trường tiền kỹ thuật số khi sắc xanh bao trùm và thậm chí, tăng trưởng với tốc độ cao vượt trội so với nhiều ngày gần đây.
Copyright All right reserved

Chuyên mục