Công nghiệp giải trí có thưởng: Giải bài toán tư duy ‘không quản được thì cấm’

Các chuyên gia cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam không thể không xây dựng ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng một cách bài bản và hiệu quả để thu hút du khách.

>> Bí quyết xây dựng đội ngũ bán hàng ‘vừa khôn vừa ngoan’

Công nghiệp giải trí có thưởng: Giải bài toán tư duy 'không quản được thì cấm'

Trở về Việt Nam từ năm 1992 theo dòng chảy của Luật Đầu tư nước ngoài, chứng kiến sự phát triển của đất nước về kinh tế – xã hội, ông Nguyễn Ngọc Mỹ – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Vabis Group đã gặp phải không ít khó khăn khi đầu tư vào ngành dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng.

Năm 2001, theo gợi ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Mỹ đã thành lập Công ty Thiên Mã và hợp tác với Câu lạc bộ Phú Thọ để cải tạo, nâng cấp và tái tổ chức Trường đua Phú Thọ theo công nghệ quản lý chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tổ chức hoạt động đua ngựa dự thưởng, Trường đua Phú Thọ từ 2004 đến 2011 đã mang lại doanh thu bình quân 11 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2011 UBND TP. HCM có quyết định đóng cửa Trường đua Phú Thọ do không phù hợp với quy hoạch của thành phố. Trường đua được dời về Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Trước khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế có hiệu lực, Trường đua Thiên Mã – Madagui đã tổ chức được 9 kỳ đua ngựa dự thưởng. 

Công nghiệp giải trí có thưởng: Giải bài toán tư duy 'không quản được thì cấm'
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ

Song, đến nay trường đua này vẫn đang tạm dừng hoạt động để bổ sung thủ tục điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội có cá cược và xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa theo nghị định mới.

Không chỉ hoạt động của việc kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, thực tế hoạt động của các casino được cấp phép tại Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. 

Hiện, Việt Nam có tổng cộng 7 casino dành cho người nước ngoài đã được cấp phép, 2 casino lớn đang triển khai xây dựng, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Nam Hội An. Casino đầu tiên cho người Việt vào chơi tại Phú Quốc đã đi vào hoạt động. 

Số liệu từ Viện Phát triển bền vững vùng cho thấy tổng doanh thu năm 2014 từ các casino đang hoạt động tại Việt Nam là 1.379 tỷ đồng, nộp thuế 336 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải casino nào cũng có lãi.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bộ phận phân tích SSI, trong số các casino đang hoạt động, Grand Hồ Tràm Strip có quy mô lớn nhất với 90 bàn chơi nhưng lại không hòa vốn vào cuối năm 2016 với khoản lỗ ước tính khoảng 3 triệu USD mỗi tháng.

Tương tự, dù sở hữu casino cho người nước ngoài duy nhất tại thành phố Hạ Long, Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) báo lỗ 18,55 tỷ đồng năm 2016. Bắt đầu từ năm 2013 đến nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này rơi vào vòng xoáy thua lỗ, cao nhất vào năm 2014 với khoản lỗ sau thuế hơn 153 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2017, RIC tiếp tục báo lỗ 32 tỷ đồng, chủ yếu từ kinh doanh sòng bạc.

Nhà đầu tư rót tiền vào một trong những sòng bài hợp pháp sớm nhất ở Việt Nam là casino Đồ Sơn hoạt động từ năm 1995, có 17 bàn chơi cũng liên tục thua lỗ trong nhiều năm.

Chỉ ra nguyên nhân khiến ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam chưa thể phát triển đúng với tiềm năng, tại hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp”, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, GS. Nguyễn Mại cho rằng, trước hết là do về vấn đề nhận thức và quan điểm. Các cơ quan quản lý nhà nước coi ngành công nghiệp này là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý chưa có cách tiếp cận đa chiều đối với lĩnh vực này. 

Việc không quản lý được thì cấm khiến vấn nạn tổ chức cá cược bóng đá chui, cờ bạc có liên quan đến nước ngoài với khối lượng hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển mạnh mẽ. 

Trong khi đó, nếu được quản lý tốt lĩnh vực này thì sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn.

Nguyên nhân thứ hai theo ông Mại là hệ thống luật pháp có liên quan đến du lịch kết nối văn hóa – thể thao – giải trí còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng. 

Các quy định hiện nay chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa chưa khuyến khích phát triển theo định hướng của Nhà nước, vừa quá chặt chẽ và mất quá nhiều thời gian để dự án của doanh nghiệp được cấp phép.

Thứ ba, Việt Nam hiện chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động du lịch kết nối văn hóa – thể thao – giải trí để chia sẻ thông tin, hợp tác quảng bá du lịch, trao đổi kinh nghiệm để trở thành một thị trường được hợp tác cùng có lợi. 

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn “mạnh ai nấy làm”, do đó hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thấp, đóng góp cho phát triển du lịch và ngân sách nhà nước còn quá ít.

Thứ tư, nhà nước chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng.

Thứ năm, tổ chức và cơ chế quản lý đối với ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng còn khá bất cập. Hiện chỉ có một số cán bộ tại Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính có chức năng quản lý hoạt động này.

Đồng quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, các quy định pháp luật đối với ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng ở Việt Nam vẫn còn mâu thuẫn. 

Về cơ bản, chính quyền ủng hộ nhưng về pháp lý, luật pháp thì còn dè dặt. Nguyên do là nhận thức chưa thể giải toả đối với ngành nghề này và lo ngại về vấn đề xã hội.

Công nghiệp giải trí có thưởng: Giải bài toán tư duy 'không quản được thì cấm'
TS. Võ Trí Thành

Không thể không phát triển công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng 

Luôn trăn trở làm thế nào để phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí thật sự hấp dẫn với nhà đầu tư, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực vui chơi có thưởng với tư cách là nhà tổ chức và điều hành, ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, nên mở cửa cho tất cả các loại hình vui chơi có thưởng nói chung và cá cược thể thao nói riêng. 

Tuy nhiên, các cánh cửa cũng cần phải có lưới phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của những phần tử có hại, gây tác động xấu đến văn hóa, xã hội.

Từ đó, ông Mỹ đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển ngành công nghiệp vui chơi có thưởng do một phó thủ tướng làm trưởng ban; đơn vị này sẽ giúp quản lý điều hành tốt cả một ngành công nghiệp không khói đáng giá nhiều tỷ USD, khai thác được tối đa các lợi ích kinh tế mà ngành cá cược thể thao mang lại, trong khi vẫn đảm bảo an toàn và trật tự xã hội.

Bên cạnh đó ông Mỹ cũng cho rằng, nên quản lý cá cược thể thao bằng công nghệ 4.0 bởi đây là xu thế tất yếu đảm bảo chính xác, minh bạch, an toàn và chống thất thu ngân sách.

Đồng quan điểm, theo ông Mại, để ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới cần có một tổ chức xã hội để những doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng có thể hợp tác, điều chỉnh để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đây là vấn đề cần thiết, nhằm thu hút các doanh nghiệp, kết nối để hoạt động vui chơi giải trí trở nên mạnh mẽ hơn.

“Đã đến lúc cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng và coi đây là lĩnh vực góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid- 19″, ông Mại khẳng định.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vị chuyên gia này cho rằng, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino”.

Đưa ra đề xuất về cách tổ chức và quản lý hoạt động vui chơi có thường, ông Thành dẫn chứng bài học của Singapore. Theo đó, quốc gia này đã mất tới 2 – 3 năm tranh cãi về việc có nên phát triền lĩnh vực này hay không, nhưng khi đã làm thì chơi lớn, làm bài bản, chuyên nghiệp.

Theo ông Thành: “Với ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng, Việt Nam cần phát triển một cách chuyên nghiệp, minh bạch và có tính giải trình. Các chính sách quản lý cần hệ thống hoá nhằm đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật, công bằng và kiểm soát tốt, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của lĩnh vực này đối với xã hội.

“Chính phủ phải quyết tâm làm cho được, không được bỏ ngang, không lắt nhắt, vì lắt nhắt sẽ không ra đâu vào đâu”, ông Thành nhấn mạnh.

(Theo TheLEADER)

Next Post

Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank bất thành

T3 Th6 30 , 2020
Những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài nhiều năm nay, khiến ngân hàng không thể tổ chức ĐHCĐ nhiều lần.
Copyright All right reserved

Chuyên mục