Không có thêm ca nhiễm mới, Việt Nam chỉ còn 54 bệnh nhân mắc nCoV. Thông tin vừa được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đưa ra tại Bản tin lúc 18h00 ngày 20/4. Như vậy, đã 4,5 ngày trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào và trong ngày đã có thêm 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
>>> TOP 10 Ổ DỊCH COVID-19 TOÀN THẾ GIỚI [CẬP NHẬT]
THÔNG TIN KHÁC VỀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19
(đang tiếp tục cập nhật…)
11:58 21/04
17 nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp xúc gần với BN243 âm tính lần 2 với SARS -CoV-2
Thông tin từ BV Phụ Sản Hà Nội cho biết, 17 nhân viên y tế tiếp xúc gần với BN 243 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2
Trước đó, ngay sau khi thông tin về ca bệnh 243 được công bố, qua rà soát dịch tễ cho biết, vào ngày 5/4 bệnh nhân 243 có đưa người nhà đi khám ngày tại BV Phụ sản Hà Nội và 17 nhân viên y tế trên đã tiếp xúc trực tiếp (F1) với người bệnh; đồng thời có 63 nhân viên y tế khác đã tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) và 1 bệnh nhân khác nằm trong viện. 63 nhân viên y tế F2 được cách ly tại nhà.
Tất cả những người này đều được lấy mẫu xét nghiệm và đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Nhưng riêng 17 nhân viên y tế thuộc đối tượng F1 phải tiếp tục cách ly tại cơ sở 2 của BV Phụ sản Hà Nội để theo dõi, cách ly 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
Mặc dù đã có kết quả xét nghiệm chính thức âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tuyệt đối, 17 nhân viên y tế trên tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định.
Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội cho hay, BV Phụ Sản Hà Nội luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo, hướng dẫn và quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, BV đã thực hiện phân luồng công ra vào viện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người có biểu hiện nghi ngờ. Đồng thời BV đã tiến hành phân luồng cổng ra vào Bệnh viện: Toàn bộ bệnh nhân và người nhà vào BV bằng cổng số 1 (cổng 929 La Thành) và ra khỏi BV bằng cổng số 2 (ngõ 80 Chùa Láng).
Bên cạnh đó, BV cũng thực hiện sàng lọc ngay tại cổng vào: Yêu cầu người ra/vào phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh, khai báo tình trạng sức khỏe và thông tin dịch tễ.
Mỗi bệnh nhân chỉ có tối đa 1 người nhà đi kèm, không đến thăm người bệnh tại BV. BV Phụ sản Hà Nội cũng yêu cầu người đến thăm khám thực hiện các biện pháp đảm bảo giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người từ khi khách hàng sàng lọc tại cổng đến khi vào khám tại khoa, phòng…
11:54 21/04
Thêm một bệnh nhân TP HCM xuất viện
“Bệnh nhân 248” được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi tuyên bố khỏi bệnh sáng nay. Thành phố còn lại hai người đang điều trị Covid-19.
Thanh niên 20 tuổi này từ Mỹ về Tân Sơn Nhất, quá cảnh Nhật Bản, phát hiện dương tính hôm 7/4 khi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở khu cách ly tập trung. Anh là ca nhiễm được ghi nhận gần đây nhất tại TP HCM. Từ đó đến nay, 14 ngày thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới, không còn ca nghi nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, cho biết bệnh nhân xuất viện sau hai tuần điều trị, tiếp tục cách ly theo dõi 14 ngày.
Thành phố chỉ còn hai bệnh nhân, bao gồm một ca rất nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là “bệnh nhân 91” có dấu hiệu cải thiện sức khỏe; người còn lại điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
56 người đang cách ly tại các điểm tập trung. 375 ca nghi nhiễm xét nghiệm đều âm tính. 41 trường hợp được ngành y tế thành phố theo dõi sau khi khỏi Covid-19, hiện 31 người kết quả xét nghiệm âm tính, 5 người đợi kết quả, 5 trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu.
Tính cả nước, tổng số người khỏi Covid-19 lên 216, còn 52 bệnh nhân đang điều trị.
07:49 21/04
Hà Nội dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào nửa đầu tháng 5
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội diễn ra chiều tối 20/4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội và TPHCM đã đề nghị Thủ tướng xem xét nới lỏng giãn cách xã hội tùy theo tình hình dịch bệnh sau ngày 22/4.
Ông Quý dẫn lời Thủ tướng cho biết, căn cứ tình hình thực tế đến 22/4, nếu không có tình hình diễn biến mới thì sẽ có giải pháp nới lỏng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết ngày hôm nay Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Ban chỉ đạo Thành phố đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng và Ban chỉ đạo Trung ương, nếu không có ca nào nhiễm COVID-19, thì sau 22/4, Thành phố sẽ triển khai nới lỏng theo tinh thần theo chỉ thị 15. Nhưng nới lỏng có điều kiện, các đơn vị hoạt động đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Thành phố sẽ tiếp tục xử lý triệt để các ổ dịch trên địa bàn, chủ động cơ sở vật chất và nguồn nhân lực khi ổ dịch xảy ra. “Nếu tình hình tốt lên có thể nửa đầu tháng 5, Thành phố sẽ cho học sinh đi học trở lại. Tình hình đã có điều chỉnh kế hoạch năm học, điều kiện cần và đủ thì chúng ta phải triển khai cho các cháu đi học. Thành phố sẽ có chỉ đạo, chỉ thị cụ thể sau” – ông Quý cho hay.
07:36 21/04
Liên tiếp 5 ngày không ca mắc mới, dịch COVID-19 có thể bùng phát bất ngờ
Sáng ngày 21/4, Bộ Y tế thông báo liên tiếp 5 này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy số ca mắc bệnh tại Việt Nam vẫn dừng lại ở 268 ca.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quannhưng khó dự đoán, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Chuyên gia này cho biết, việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam, phát hiện và cách ly tất cả trường hợp nhập cảnh cùng với việc những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới trong nhóm này chứng tỏ ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập thành công.
Cùng với đó, trong tình hình hiện nay đang có dịch lây lan trong cộng đồng, các ổ dịch, đặc biệt một số ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, bar Buddha, gần nhất là Hạ Lôi, đều đã khống chế nên thời gian qua, không ghi nhận ca mới từ những ổ dịch này.
Và đặc biệt hơn cả là không phát hiện được ổ dịch mới trong cộng đồng. Đó là những tín hiệu khả quan. Ngoài chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả đó. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội đã bùng phát mạnh.
Tuy nhiên, người mắc COVID-19 có thể có những triệu chứng nhẹ. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài.
Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, Việt Nam cũng xác định phải ứng phó lâu dài, không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân.
18:14 20/04
Việt Nam có 111 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm COVID-19
Hiện nay cả nước có 111 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 đối với kỹ thuật RT- PCR.
Trong đó có 39 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (22 các cơ sở Y tế tuyến Trung ương và các Bệnh viện, 14 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 03 đơn vị ngoài ngành y tế).
Số mẫu xét nghiệm từ ngày 16-19/4/2020 là 17.900 mẫu tương đương khoảng hơn 4.000 mẫu/ngày và tương đương với các ngày trước đó nhưng không ghi nhận trường hợp mắc.
Theo thống kê tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 08 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 4 ngày từ 17-20/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện như tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm mới gần đây.
Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.
17:09 20/04
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công dân Việt Nam tại Pháp có thể đăng ký nguyện vọng về nước
Các công dân Việt Nam ở Pháp có nhu cầu về nước, có thể đăng ký nguyện vọng với Đại sứ quán Việt Nam tại đây trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Pháp và các nước châu Âu, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chính thức mở thông báo về việc đăng ký nguyện vọng về nước cho công dân Việt Nam kể từ ngày 20/4.
Trong bối cảnh nước Pháp kéo dài thời gian cách ly phong toả để phòng chống dịch bệnh COVID-19, dựa trên nguyện vọng của nhiều công dân Việt Nam tại nước sở tại và để có cơ sở đề nghị với Chính phủ tổ chức các chuyến bay của Vietnam Airlines cho công dân từ Pháp về nước trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mở trang đăng ký nguyện vọng về nước đối với công dân Việt Nam có nhu cầu thực sự cần thiết, đáp ứng các ưu tiên và phù hợp với khả năng tiếp nhận cách ly ở trong nước.
Để đăng ký nguyện vọng về nước, công dân cần truy cập trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (https://ambassade-vietnam.com/thong-bao-ve-viec-dang-ky-danh-sach-ve-nuoc/). Thời gian bắt đầu tiếp nhận là từ ngày 20/4 và sẽ kết thúc việc đăng ký nguyện vọng vào lúc 12h trưa ngày 21/4.
Việc tiếp nhận đăng ký và xét duyệt nguyện vọng về nước của những công dân có nguyện vọng sẽ dựa trên các nhóm ưu tiên. Theo đó, các đối tượng ưu tiên gồm: công dân dưới 18 tuổi; công dân trên 60 tuổi có bệnh nền đang điều trị; phụ nữ mang thai; công dân là khách du lịch, thăm thân hết hạn thị thực, bảo hiểm; công dân là sinh viên đã hoàn thành chương trình học và công dân đi công tác ngắn hạn đã hết thị thực, lao động hết hợp đồng.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, công dân cần cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin theo yêu cầu và chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp.
Công dân tự chi trả chi phí chuyến bay và các chi phí cần thiết khác (nếu có); tuân thủ sự sắp xếp ưu tiên của Đại sứ quán và cơ quan chức năng có thẩm quyền; tự thu xếp di chuyển tới địa điểm tập kết 1 ngày trước chuyến bay; tuân thủ mọi quy định về khai báo y tế, cách ly, theo dõi khi về nước; cung cấp đầy đủ các giấy tờ hợp lệ.
17:05 20/04
5 bệnh nhân Covid-19 xuất viện
Hai người tại TP HCM, hai tại Hà Tĩnh và một tại Ninh Bình xuất viện hôm nay, đưa số người khỏi bệnh cả nước lên 207, số bệnh nhân còn 61.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo trao giấy chứng nhận hoàn thành điều trị Covid-19 cho Phạm Thị Huyền Trang – “bệnh nhân 238”, và Trần Thị Thắm, “bệnh nhân 210”.
Cả hai làm chung một quán bar tại Bangkok, Thái Lan, về Hà Tĩnh hồi trung tuần tháng 3, cách ly tập trung sau đó xác định nhiễm nCoV. Mỗi người có ba hoặc bốn lần xét nghiệm âm tính liên tiếp.
Như vậy Hà Tĩnh đã điều trị khỏi ba ca, còn bệnh nhân 265 đang điều trị với sức khỏe ổn định, không ho, sốt. Cũng chiều nay, ở Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, Ninh Bình, “bệnh nhân 228”, nam, 29 tuổi, được công bố khỏi bệnh. Anh nhập viện ngày 6/4, đến nay ba lần xét nghiệm âm tính liên tiếp.
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, cho biết trong quá trình điều trị sức khỏe bệnh nhân ổn định, không ho, không sốt, không nặng lên. Bệnh viện điều trị theo phác đồ Bộ Y tế, theo triệu chứng và nâng cao thể trạng.
Ninh Bình đã điều trị khỏi bốn người, còn 9 bệnh nhân. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình điều trị 8 người, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn một người.
Sáng nay thêm hai người ở TP HCM ra viện. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, cho biết hai bệnh nhân xuất viện sau 20 ngày điều trị, tiếp tục cách ly theo dõi 14 ngày. Họ gồm “bệnh nhân 224”, nam, 39 tuổi, người Brazil; “bệnh nhân 236”, nữ, 26 tuổi, người Anh.
Hai người đều tạm trú tại TP HCM, từng đến hoặc ở chung với người đến Buddha Bar & Grill. Đây là ổ dịch lớn nhất thành phố, liên quan 19 ca nhiễm nCoV.
Đến nay TP HCM cho xuất viện 51 người, đang điều trị ba người, trong đó một ca rất nặng là “bệnh nhân 91” có dấu hiệu tiến triển. 13 ngày qua thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới. 71 người đang cách ly tại các điểm tập trung. 373 ca nghi nhiễm xét nghiệm âm tính, một người đợi kết quả.
12:22 20/04
TP.HCM: Bệnh nhân 91 có cải thiện, hôm nay sẽ có thêm 2 bệnh nhân khỏi bệnh
Cập nhật tình hình bệnh nhân 91 điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sáng 20/4 cho thấy, hiện tại tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, bệnh nhân tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tổng số trường hợp COVID-19 tại TP.HCM xác định đến ngày 20/4/2020 là: 54 trường hợp
Trong đó có 49 trường hợp đã xuất viện.
Trong ngày 20/04/2020, dự kiến sẽ có 02 bệnh nhân xuất viện (BN 224, BN 236). Như vậy, TP.HCM sẽ chỉ còn 3 bệnh nhân COVID-19 điều trị. Các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định, đang được theo dõi điều trị.
Mặc dù đã hơn 10 ngày qua không có bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới nhưng các bệnh viện được phân công tiếp nhận và điều trị bệnh nhân dương tính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, các kíp trực vẫn luôn được duy trì, công tác vệ sinh kiểm soát nhiễm khuẩn các phòng cách ly luôn được duy trì và đảm bảo đúng quy định.
Về tình hình giám sát người về từ vùng dịch, tổng số trường hợp hiện đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố là: 50 trường hợp.
Tại khu cách ly tập trung của quận, huyện, tổng số trường hợp được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện tính đến chiều ngày 19/4/2020 là 2.039 trường hợp, trong đó 2.018 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, trong ngày 19/4/2020 hiện đang còn theo dõi 21 trường hợp.
Tình hình cách ly tại nhà, nơi lưu trú tính đến ngày 19/4/2020 có 11.376 trường hợp, trong đó 11.179 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, trong ngày 19/4/2020 hiện còn đang theo dõi 197 trường hợp.
18:23 19/04
Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 ở Bạc Liêu khỏi bệnh, Việt Nam có 203 ca khỏi
Thông tin từ tiểu Ban điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (19/4/2020) có 02 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu được công bố khỏi bệnh.
Trong quá trình điều trị các bệnh nhân này đều có tiến triển tốt, đến nay, sau nhiều lần xét nghiệm liên tục đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể: Bệnh nhân 156: nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 27/3/2020
Quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã được xét nghiệm và trong các ngày từ 12/4/2020- 16/4/2020 các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2.Một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.Bệnh nhân 241: nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam.Ngày vào viện: 01/4/2020
Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2, cụ thể: kết quả âm tính lần 1 vào ngày 9/4/2020, các ngày sau đó từ 12/4/2020- 16/4/2020 kết quả xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại các bệnh nhân không sốt, không ho, toàn trạng ổn định, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
18:18 19/04
3,5 ngày trôi qua Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, chỉ còn 65 ca đang điều trị
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 lúc 18h00 chiều ngày 19/4 cho biết, không có thêm ca mắc mới Covid-19. Như vậy đã 3,5 ngày trôi qua, số ca mắc vẫn là 268. Trong ngày đã có thêm 2 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện chỉ còn 65 ca đang điều trị.
Trong tổng số ca nhiễm nCoV có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 62.998, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 279; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.
18:13 19/04
Bệnh nhân phi công Anh âm tính nCoV
Xét nghiệm RT PCR “bệnh nhân 91” ngày 19/4 cho kết quả âm tính nCoV trên cả mẫu từ phế quản và mũi họng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết nam phi công 43 tuổi tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, không còn tình trạng chảy máu.
Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp bình thường, chức năng phổi có cải thiện, tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO.
Đây là lần thứ hai bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dịch lấy ở phế quản và mũi họng đều âm tính, lần đầu vào ngày 12/4. Sau đó một ngày xét nghiệm dương tính trở lại, phổi tổn thương nặng hơn, hô hấp hoàn toàn lệ thuộc ECMO. Đến sáng 16/4, xét nghiệm dịch rửa phế quản âm tính, song dịch ở mũi và họng dương tính.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, xác định dương tính ngày 18/3. Anh sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới tuổi trẻ và không có bệnh nền. Trước đó, từ ngày 13 đến 18/3, anh ở TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
Hiện TP HCM còn 5 bệnh nhân, gồm phi công Anh và bốn người đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Sáng nay Bộ Y tế không ghi nhận ca nhiễm nCoV, số bệnh nhân còn 67, số người đã khỏi là 201.
18:11 19/04
‘Bệnh nhân 188’ tái dương tính sau khi xuất viện
Ba ngày sau khi có kết quả âm tính lần hai, “bệnh nhân 188” ho khan từng cơn, không sốt. Kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính trở lại với nCoV.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trưa 19/4 cho biết bệnh nhân, ngụ thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, đã được đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ba người tiếp xúc gần (F1) là chồng, con gái và người lái xe đưa bà về nhà khi xuất viện, được lấy mẫu xét nghiệm. 10 người F2 được cách ly y tế.
Giới chức y tế địa phương điều tra dịch tễ của chồng và con bệnh nhân. Hai người hầu như không đi đâu xa, chỉ tiếp xúc với một số người xung quanh ở chợ.
“Bệnh nhân 188”, 44 tuổi, là nhân viên công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3, Bộ Y tế ghi nhận bà dương tính nCoV, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. Bà có kết quả âm tính lần hai ngày 14/4, hai ngày sau đó xuất viện, được lái xe của Trường Sinh đưa về nhà.
Ngày 17/4, bà ho khan từng cơn, thân nhiệt 36,8 độ C, hơi tức ngực, không chảy nước mũi. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả dương tính.
Như vậy, “bệnh nhân 188” là trường hợp Covid-19 thứ hai tại Việt Nam tái dương tính sau khi xuất viện.
Trước đó, “bệnh nhân 22”, quốc tịch Anh, điều trị tại Đà Nẵng, dương tính trở lại sau hai tuần ra viện. Người này được bệnh viện Đà Nẵng tuyên bố khỏi Covid-19 và ra viện với ba lần kết quả xét nghiệm âm tính. Sau khi kết thúc thời hạn cách ly 14 ngày sau xuất viện, người này từ Đà Nẵng tới sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, được lấy mẫu sàng lọc. Ngày 11/4, mẫu bệnh được xét nghiệm hai lần bằng phương pháp PCR, kết quả dương tính. Khi đó ông đã rời Việt Nam. Tối 17/4 Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM thông báo kết quả xét nghiệm người này sau khi về nước âm tính.
07:37 19/04
Nhiều trường hợp liên quan đến bệnh nhân 268 ở Hà Giang cho kết quả âm tính
Cuối giờ chiều ngày 18/4/2020, BS CKII Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở y tế Hà Giang thông tin, nhiều mẫu xét nghiệm của tỉnh Hà Giang gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho kết quả âm tính.
Theo đó, căn cứ vào phiếu trả lời kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có 135 mẫu xét nghiệm của tỉnh Hà Giang gửi về cho kết quả âm tính, trong đó liên quan đến bệnh nhân 268 là 122 trường hợp.
Theo BS CKII Lương Viết Thuần, từ kết quả này, Sở Y tế Hà Giang khuyến cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các đơn vị, cơ quan không được chủ quan, tiếp tục theo dõi, thực hiện các biện pháp cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
07:34 19/04
Gần 900 tiểu thương chợ đầu mối Hà Nội đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2
Sáng 19/4 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm của các tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở.
Báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện đã lấy mẫu xác suất, xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các tiểu thương tại 4 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố để đánh giá yếu tố dịch tễ tại cộng đồng.
Tính đến hết ngày 18/4, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm test nhanh cho 894 người tại 4 chợ. Cụ thể, đã lấy 277 mẫu tại chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai), chợ Long Biên (quận Ba Đình) lấy 254 mẫu, chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín) lấy 223 mẫu, chợ Yên Sở (quận Hoàng Mai) lấy 140 mẫu.
Kết quả, 894/894 mẫu đều âm tính với virus SARS-CoV-2.Trạm test nhanh tại chợ đầu mối Hà Nội. Ảnh Đức ThanhHôm nay 19/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm của các tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn cho biết, dự kiến sẽ lấy mẫu khoảng 200 người.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm đến nay của cả nước là hơn 206.000 mẫu. Trong đó của Hà Nội chiếm hơn 73.000 mẫu. Tỷ lệ người dân được xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội cao gấp 4,3 lần tỷ lệ chung của cả nước. Công tác xét nghiệm sàng lọc đã góp phần phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan.
07:28 19/04
Gần 900 người chết do nCoV một ngày ở Anh
Anh ghi nhận thêm 888 ca tử vong do nCoV, tăng nhẹ so với hôm trước, nâng tổng số người chết vì dịch lên 15.464.
“Đến 17h ngày 17/4, trong số những người nhập viện ở Anh dương tính với nCoV, 15.464 người không may đã chết”, Bộ Y tế Anh thông báo trên trang web hôm nay. Bộ này cho biết 357.023 người đã được xét nghiệm nCoV, trong đó 114.217 trường hợp dương tính.
Tuy nhiên, các bộ trưởng Anh liên tục bảo vệ những biện pháp ứng phó Covid-19, cho biết họ đã hành động dựa theo lời khuyên khoa học và luôn phản ứng nhanh chóng.
Anh đã phong tỏa toàn quốc từ 23/3. Người dân chỉ được rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, khám sức khỏe hoặc đi làm nếu đảm nhiệm những công việc đặc biệt quan trọng. Trường học, cơ sở giải trí, phòng gym, địa điểm tôn giáo và cửa hàng không bán nhu yếu phẩm phải đóng cửa.
07:24 19/04
Gần 160.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.317.759 ca nhiễm nCoV tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 159.691 người đã tử vong và 592.319 người đã hồi phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 732.197 ca nhiễm, 38.721 ca tử vong do nCoV và 64.697 người đã hồi phục.
New York, tâm dịch Covid-9 ở Mỹ, báo cáo 222.284 ca nhiễm và 14.636 ca tử vong. Thống đốc Andrew Cuomo hôm 18/4 thông báo bang ghi nhận ca tử vong mới thấp nhất trong hai tuần qua với 540 trường hợp. Cuomo cho rằng dịch bệnh ở bang đã qua đỉnh, song vẫn gia hạn yêu cầu người dân ở nhà đến ngày 15/5.
Pháp ghi nhận thêm 3.824 ca nhiễm và 642 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 151.793 và 19.323. Số bệnh nhân điều trị trong bệnh viện giảm 551 ca, xuống còn 30.639. Bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm thêm 191, xuống còn 5.833. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Pháp ghi nhận ca điều trị giảm và ngày thứ mười liên tiếp số bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm.
Đức báo cáo thêm 1.945 ca nhiễm và 107 ca tử vong, thấp hơn so với lần lượt 4.326 và 274 ca hôm qua. Đức hiện ghi nhận 143.342 ca nhiễm và 4.459 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói rằng số ca nhiễm mới ở Đức “đã giảm đáng kể” và ổ dịch đang “được kiểm soát”.
Anh báo cáo thêm 5.525 ca nhiễm và 888 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 114.217 và 15.464. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 80.868 ca nhiễm và 5.031 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.374 ca nhiễm và 73 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 6.248 ca nhiễm và 535 ca tử vong, tăng lần lượt 325 và 15 so với hôm qua. Quan chức chính phủ Indonesia cho biết nước này có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5.
Philippines xếp thứ hai với 6.078 ca nhiễm và 397 ca tử vong, tiếp đó là Singapore 5.992 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Malaysia là vùng dịch lớn thứ tư khu vực với 5.305 ca nhiễm, trong đó 88 người đã chết.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là những nước Đông Nam Á chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19.
07:21 19/04
Sáng 19/4 không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 19/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm 268, trong đó 201 người đã khỏi.
Như vậy, ba ngày qua không thêm ca nhiễm mới, 30 người xuất viện.
67 bệnh nhân đang điều trị tại 11 cơ sở y tế, đa số sức khỏe ổn định. 14 ca xét nghiệm âm tính lần một, 6 ca âm tính lần hai.
Hà Nội đang điều trị 29 bệnh nhân, Ninh Bình 10, TP HCM 5, số còn lại điều trị ở các địa phương khác.Lấy mẫu xét nghiệm nhanh tiểu thương ở các chợ đầu mối Hà Nội.
Thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội, vẫn là ổ dịch lớn nhất hiện nay với 13 ca nhiễm, từ ngày 16/4 đến nay không ghi nhận thêm ca mới. Tiểu thương tại các chợ đầu mối ở Hà Nội từ hôm qua bắt đầu được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc. Đến sáng nay, hơn 800 mẫu kết quả âm tính.
Hà Giang lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm – “bệnh nhân 268”, khiến tỉnh từ nhóm địa phương nguy cơ thấp chuyển sang có nguy cơ. Hôm qua 122 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này xét nghiệm âm tính.Gần 63.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 279 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.300 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
18:49 18/04
Thêm 3 bệnh nhân nước ngoài được công bố khỏi bệnh
Trong ngày 18/4, Bộ Y tế đã công bố 3 bệnh nhân nước ngoài tại TP.HCM đã khỏi bệnh, bao gồm:
Bệnh nhân 97 điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (TP. HCM)
Bệnh nhân 151 và 207 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. HCM).
Hiện Việt Nam còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế.
Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.
Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 05 ca.
Đến giờ phút này, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.
Thông tin tại buổi lễ ra mắt 2 ứng dụng công nghệ giúp chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 18/4 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, việc tư vẫn hỗ trợ khám chữa bệnh trên nền tảng công nghệ thông tin đã giúp giải quyết được nhiều việc như giải quyết việc người bệnh ở nhà vẫn được chăm sóc y tế, tuyến dưới tiếp nhận những tư vấn rất giá trị từ tuyến trên… Trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tại Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19”.
Trung tâm này thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.
Người bệnh điều trị tại tuyến dưới cũng được hưởng chăm sóc sức khoẻ như tuyến trên bởi khi cần thiết, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng cùng hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến từ xa.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Trung tâm hỗ trợ chuyên môn được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19.
Đến giờ phút này, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.
Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều tiến triển. Tri giác đã cải thiện, khí máu đã cải thiện. Tình trạng rối loạn đông máu kiểm soát tốt. XQ phổi không tổn thương xấu thêm,… Lãnh đạo Bộ Y tế hy vọng với sự nỗ lực của các y bác sĩ điều trị, bệnh nhân này sẽ qua được “lưỡi hái tử thần”.
18:44 18/04
Chiều nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
18h ngày 18/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV. Tổng số ca nhiễm 268, trong đó 201 người đã khỏi.
Như vậy, hôm nay không thêm ca nhiễm mới, ba người xuất viện, 67 người đang điều trị.
Hôm qua cũng không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Các bệnh nhân đang điều trị đa số sức khỏe ổn định. 14 ca xét nghiệm âm tính lần một, 5 ca âm tính lần hai.
Gần 63.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 279 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.300 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tất cả bệnh nhân Covid-19 nặng đều được những chuyên gia đầu ngành hội chẩn trực tuyến thường xuyên tại Trung tâm Quản lý điều hành đặt tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Đến nay, tất cả bệnh nhân nặng đều đã qua cơn nguy kịch.
Sức khỏe “bệnh nhân 91” – phi công Vietnam Airlines, nhiều tiến triển, tri giác và tình trạng đông máu cải thiện. Theo Thứ trưởng Long, bệnh nhân thoát nguy kịch “nhờ các cuộc hội chẩn trực tuyến thường xuyên của những chuyên gia đầu ngành”.
“Với những nỗ lực trong điều trị, hiện Việt Nam là một trong hai quốc gia ghi nhận trên 200 ca Covid-19 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong”, Thứ trưởng Y tế nói. Nước còn lại là Reunion, 402 ca nhiễm.
12:15 18/04
Phổi bệnh nhân phi công Anh ‘đông đặc’
Phổi “bệnh nhân 91” vẫn còn tổn thương nặng chưa cải thiện, tiếp tục “thở” bằng ECMO.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 18/4, cho biết siêu âm phổi của nam bệnh nhân 43 tuổi thấy đông đặc toàn bộ bên phổi trái, đông đặc 1/3 dưới phổi phải.
“Các biến chứng rối loạn đông máu tạm ổn”, bác sĩ Châu nói. Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tiếp tục được hồi sức tích cực với lọc máu hấp phụ kháng thể, “thở” bằng ECMO chờ phổi hoạt động lại.
Lọc máu hấp phụ kháng thể là dùng bộ lọc đặc biệt lấy các kháng thể bất thường của bệnh nhân ra ngoài. Hệ miễn dịch của bệnh nhân này đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều cytokine gây ảnh hưởng các phủ tạng.
Ngày 12/4, kết quả xét nghiệm dịch lấy ở phế quản và mũi họng bệnh nhân đều âm tính. Sau đó một ngày xét nghiệm dương tính trở lại, phổi tổn thương nặng hơn, hô hấp hoàn toàn lệ thuộc vào ECMO. Đến sáng 16/4, xét nghiệm dịch rửa phế quản âm tính, song dịch ở mũi và họng dương tính.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, xác định dương tính ngày 18/3. Anh sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không có bệnh nền.
Trước đó, từ ngày 13 đến 18/3, anh ở TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
12:11 18/04
Bệnh nhân cuối cùng mắc COVID-19 tại Bệnh viện điều trị COVID-1 Cần Giờ xuất viện
Bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 97 được điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, TPHCM đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính và được cho xuất viện.
Sáng 18/4, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, TP. HCM đã cho bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 97 là người đàn ông 34 tuổi, quốc tịch Anh, là giáo viên ngoại ngữ tại Việt Nam xuất viện.
Bệnh nhân thứ 97 đã ở Malaysia trong 2 tuần trước khi về Việt Nam. Ngày 13/3, bệnh nhân từ Penang (Malaysia) về TPHCM trên chuyến bay số hiệu AK1502 của hãng hàng không AirAsia.Bệnh nhân thứ 97 được xuất viện.Ngày 14/3, bệnh nhân đến quán bar Buddha ở quận 2, TP. HCM.
Đến ngày 20/3, người này tới phòng khám đa khoa FV Sài Gòn (quận 1) để khai báo tiền sử dịch tễ, sau đó được chuyến đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến ngày 21/3, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ cho biết, ca bệnh thé 97 cũng là ca bệnh cuối cùng điều trị tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. Sau khi xuất viện bệnh nhân sẽ tiếp tục được dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
07:58 18/04
Hơn 13.000 mẫu xét nghiệm tại Hạ Lôi cho kết quả âm tính
Tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội hiện nay ghi nhận 13 ca mắc COVID-19. Cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 13.012 mẫu xét nghiệm, trong đó 13.007 mẫu âm tính, 5 mẫu dương tính.
Về việc xử lý ổ dịch tại Hạ Lôi, cơ quan chức năng đã cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8/4/2020; bố trí 12 chốt, 66 tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ người ra vào thôn. Ngoài ra, thành phố Hà Nội tăng cường 15 tổ chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 số 262 (ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) làm việc tại Công ty SamSung, Bắc Ninh, đã rà soát 210 đối tượng tiếp xúc gần (F1) và 1.109 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2); lấy 277 mẫu xét nghiệm, trong đó có 190 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
110 trường hợp liên quan đến BN262 tại các tỉnh khác đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Để chủ động ứng phó với các tình huống dịch theo tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, điều chỉnh kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch trên địa bàn, ban hành Phương án cách ly vùng có dịch, Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến ứng phó với dịch COVID-19.
Đồng thời, thành lập 315 chốt liên ngành kiểm soát dịch ở các cấp nhằm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ để khám, sàng lọc.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tới các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh và các khu cách ly tập trung. Thực hiện khẩn trương, quyết liệt việc điều tra, giám sát dịch tễ, thực hiện các hình thức cách ly đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp tiếp xúc (trực tiếp, gián tiếp) đối với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là bệnh nhân 262, tổ chức cách ly, xét nghiệm kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch…
Tính đến hết ngày 17/4, Việt Nam đã ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19, không ghi nhận trường hợp mắc mới trong ngày 17/4/2020.
Cả nước đã có 198 trường hợp được công bố khỏi bệnh (chiếm 74% tổng số bệnh nhân); 70 bệnh nhân đang được điều trị tại 12 cơ sở khám, chữa bệnh; 03 bệnh nhân nặng (số 19, 91, 161) đang được điều trị tích cực; 17 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 4 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
07:55 18/04
‘Bệnh nhân 22’ âm tính trở lại khi về Anh
Xét nghiệm của cơ quan y tế Anh cho thấy “bệnh nhân 22” âm tính, dù lúc ở TP HCM trước khi về nước người này dương tính nCoV.
Tối 17/4, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết Tổng lãnh sự quán Anh tại TP HCM vừa thông báo kết quả xét nghiệm lại với bệnh nhân người Anh tái dương tính.
“Bệnh viện Royal Surrey của Anh đã lấy mẫu bệnh phẩm (dịch ngoáy họng) của bệnh nhân và kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Chúng tôi cảm thấy yên tâm và rất vui với thông tin này”, bác sĩ Thạnh nói.
07:51 18/04
40.000 người ở Anh có thể chết vì nCoV
Bộ Y tế Anh hiện ghi nhận 108.692 trường hợp dương tính với nCoV, tăng 5.599 ca trong 24 giờ qua. Mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày hôm nay cao hơn so với 4.617 trường hợp một ngày trước đó.
Với hơn 14.500 người chết, Anh tiếp tục là vùng dịch chết chóc thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Giáo sư Anthony Costello tại viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, London, cảnh báo chính phủ đã ứng phó với Covid-19 quá chậm chạp và hơn 40.000 người nước này có thể chết do nCoV.
“Chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng chúng ta đã hành động quá muộn. Có thể 40.000 người sẽ chết trước khi điều này kết thúc”, Costello nói.
Ông cho biết Anh cần tiến hành xét nghiệm nCoV diện rộng và xây dựng các hệ thống phù hợp để đối phó với đợt bùng phát mạnh mẽ hơn của đại dịch. Tuy nhiên, các bộ trưởng Anh liên tục bảo vệ những biện pháp ứng phó Covid-19, cho biết họ đã hành động dựa theo lời khuyên khoa học và luôn phản ứng nhanh chóng.
Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão. Chính phủ Anh đang đối mặt với áp lực gộp số ca tử vong trong các viện dưỡng lão vào tổng số người chết.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, người thay thế Thủ tướng Boris Johnson trong khi ông đang hồi phục sau khi nhiễm nCoV, hồi đầu tuần nói rằng ông không dự kiến thay đổi các hạn chế hiện nay.
Anh phong tỏa toàn quốc từ 23/3. Người dân chỉ được rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, khám sức khỏe hoặc đi làm nếu đảm nhiệm những công việc đặc biệt quan trọng. Trường học, cơ sở giải trí, phòng gym, địa điểm tôn giáo và cửa hàng không bán nhu yếu phẩm phải đóng cửa.
18:34 17/04
Chiều nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
18h ngày 17/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV. Tổng ca nhiễm 268, trong đó 70 người đang điều trị, 198 người đã khỏi.
Như vậy, hôm nay không thêm ca nhiễm mới. 21 người xuất viện gồm 17 tại Hà Nội, 3 tại Trà Vinh và một ở Ninh Bình.
Hà Nội đang điều trị 39 bệnh nhân, Ninh Bình 10, TP HCM 9, số còn lại điều trị ở các địa phương khác.
Nhiều tỉnh đã sạch bóng nCoV như Trà Vinh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Cần Thơ, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hải Dương, Bắc Ninh, Bến Tre, Quảng Ninh.
Các bệnh nhân đa số sức khỏe ổn định. 13 ca xét nghiệm âm tính lần một, 4 ca âm tính lần hai.Bác sĩ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của người nghi nhiễm nCoV.
Gần 74.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 324 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.500 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
17:00 17/04
Mỹ: Khỏi bệnh sau 6 ngày dùng thuốc thử trị Covid-19
Hơn 100 bệnh nhân nặng khỏi bệnh và xuất viện chỉ sau 6 ngày dùng thuốc thử nghiệm remdesivir, Đại học Y khoa Chicago thông báo hôm qua.
Remdesivir là một trong những loại thuốc đầu tiên cho thấy tiềm năng điều trị nCoV. Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu, các chuyên gia trên thế giới kỳ vọng nhiều vào kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Nếu an toàn và hiệu quả, rất có thể nó sẽ nhận được sự chấp thuận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan khác, trở thành phương pháp điều trị Covid-19 chính thức đầu tiên.
Thử nghiệm ba giai đoạn của Đại học Y khoa Chicago có 125 tình nguyện viên. Trong đó 113 người mắc bệnh nặng với các triệu chứng như suy hô hấp và sốt cao. Tất cả được truyền dịch chứa remdesivir hàng ngày.
“Tin tốt là hầu hết bệnh nhân được xuất viện, điều này thật tuyệt vời. Chỉ có hai bệnh nhân tử vong”, Tiến sĩ Kathleen Mullane, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Đại học Chicago, người đứng đầu thử nghiệm, cho biết.
Tuy nhiên đây chỉ là kết quả sơ bộ nghiên cứu về độ hiệu quả của remdesivir. Thử nghiệm không có nhóm giả dược, những người không được cho dùng thuốc, để đối chứng. Vì vậy sẽ rất khó để kết luận liệu thuốc có thực sự giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân hay không.
“Nhưng chắc chắn kể từ khi bắt đầu sử dụng, cơn sốt của họ hạ dần. Giờ triệu chứng sốt không còn là điều kiện cần để tham gia thử nghiệm nữa, nhiều người sốt cao nhưng giảm nhiệt nhanh chóng. Điều quan trọng là một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc không còn phải sử dụng máy thở, tình trạng sức khoẻ cải thiện đáng kể.”, tiến sĩ Mullane giải thích.
“Trước đó hầu hết họ biểu hiện triệu chứng nặng, nhưng chỉ 6 ngày sau đã được xuất viện. Như vậy liệu trình có thể được rút ngắn xuống, không nhất thiết kéo dài 10 ngày. Có thể còn 3 ngày”, bà bổ sung
Eric Topol, giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps bày tỏ lạc quan: “113 bệnh nhân nặng tham gia thử nghiệm đều có nguy cơ tử vong cao. Nếu phần lớn được xuất viện, đây là tín hiệu tích cực cho thấy thuốc có hiệu quả”.
Song ông cũng cho rằng cần đối chiếu với kết quả từ các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát.
Nhiều nghiên cứu khác đang được tiến hành song song. Hãng Gilead, nhà sáng chế remdisivir, hiện phân phối thuốc cho khoảng 2.400 bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng và 1.600 người biểu hiện trung bình và nhẹ trên toàn thế giới. Kết quả thử nghiệm dự kiến có vào cuối tháng này.
16:59 17/04
Xét nghiệm nhanh Covid-19 ở các chợ đầu mối
Tiểu thương và người dân thường đến mua bán ở các chợ đầu mối sẽ được xét nghiệm nhanh Covid-19, bắt đầu từ 18/4.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao các quận, huyện ngay trong ngày 18 và 19/4 triển khai xét nghiệm nhanh tại một số chợ, gồm: Chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), chợ Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và một số chợ hải sản.
“Kết quả xét nghiệm này sẽ là dữ liệu quan trọng để đánh giá tốc độ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn”, ông Chung nói.
Từ ngày 18/4, Hà Nội cũng xét nghiệm gần 1.900 người dân thôn Đông Cứu (Dũng Tiến, Thường Tín), nơi “bệnh nhân 266” cư trú. Các trường hợp mua thuốc cảm sốt tại hiệu thuốc bắt buộc phải khai báo y tế và sẽ được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, việc xét nghiệm mở rộng tại chợ, điểm tập trung đông người “chủ yếu để tìm xác suất, từ đó dự báo tình hình dịch Covid-19”. Những người được xét nghiệm là chủ cửa hàng kinh doanh trong chợ và khách thường xuyên đến mua bán.
Ông Tuấn cho hay, đến nay tất cả những người liên quan đến ổ dịch bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi (Mê Linh) đã cơ bản được khoanh vùng và xét nghiệm. CDC Hà Nội đang bổ sung nhân viên, tập huấn nâng năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 – 6.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Đến chiều 17/4, cả nước ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19, 198 người khỏi bệnh; riêng Hà Nội cao nhất cả nước với 132 ca nhiễm, 93 người khỏi bệnh. Trong hai ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca nhiễm mới.
16:58 17/04
Thêm 21 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, Việt Nam có 198 ca khỏi
Thông tin từ tiểu Ban điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hôm nay (17/4), cả nước đã có 21 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 74% tổng số bệnh nhân).
Trong đó, 17 người xuất viện Bệnh Nhiệt đới gồm ba bệnh nhân 169, 174, 191 là nhân viên công ty Trường Sinh; các bệnh nhân 108, 128, 133, 139, 172, 173, 183, 213, 217, 219, 221, 223, 242 và 251.
Đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chữa khỏi 98 người mắc Covid-19.
Tại bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan- Ninh Bình có 01 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là Bệnh nhân 229: nữ, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Vào viện ngày: 02/4/2020.
Tại bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trà Vinh (Bệnh viện Dã chiến số 1) có 03 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: bệnh nhân 105, 106, 144.
Tất cả các trường hợp bệnh nhân trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về tình hình điều trị của các ca bệnh nặng, cụ thể:
Bệnh nhân 19 có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16/4.
Bệnh nhân 161 thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Bilan viêm trong ngày có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.
Bệnh nhân 91 không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu (theo dõi hội chứng HIT) tạm ổn, X-Quang phổi không tổn thương xấu thêm.
10:38 17/04
Thêm 15 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam được chữa khỏi
Sáng ngày 17/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, chiều cùng ngày sẽ có thêm 15 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây được công bố khỏi bệnh. Như vậy, số ca khỏi bệnh ở Việt Nam là 192/268 ca (chiếm 71,6% tổng số bệnh nhân).
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm:
Bệnh nhân 108: 19 tuổi, nam, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Vào viện ngày 21/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân 128: 20 tuổi, nam, ở Lê Chân, Hải Phòng, vào viện ngày 24/3, xét nghiệm 3 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh không sốt, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rale.
Bệnh nhân 133: 65 tuổi, nữ, ở Lai Châu, vào viện ngày 25/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, hết sốt 16 ngày, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân 139: 24 tuổi, nữ, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào viện ngày 23/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, tim đều, rõ. Phổi không ran, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bệnh nhân 169: 47 tuổi, nữ, ở Đống Đa, Hà Nội (là nhân viên căng tin Bệnh viện Bạch Mai), vào viện ngày 28/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại bệnh nhân tỉnh không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân 172: 35 tuổi, nữ, ở Quốc Oai, Hà Nội, vào viện ngày 25/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh hết sốt 12 ngày, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân 173: 43 tuổi, nữ, ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc, vào viện ngày 27/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân 174: 57 tuổi, nữ, ở Phú Lương, Thái Nguyên (là nhân viên căng tin Bệnh viện Bạch Mai), vào viện ngày 28/3, xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Các trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
07:39 17/04
Sáng nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 17/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV, 91 người đang điều trị, 177 người khỏi bệnh.
Như vậy, 24 giờ qua không thêm ca nhiễm mới, sáu người khỏi bệnh. Tổng số ca nhiễm 268.
Dự kiến hôm nay 14 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh.
Với các ca đang điều trị, đa số sức khỏe ổn định. 14 ca xét nghiệm âm tính lần một, 19 ca âm tính lần hai.
Tình trạng của ba bệnh nhân nặng tốt lên. Trong đó, “bệnh nhân 20”, 64 tuổi, hiện đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được. Ngày 16/4 bà đã nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt; không liệt, không phù, không sốt.
“Bệnh nhân 161”, 88 tuổi, thở máy qua nội khí quản, khi gọi hỏi bà giao tiếp chậm, liệt nửa người trái. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu. Bà còn sốt từng cơn, tình trạng viêm xu hướng giảm.
“Bệnh nhân 91”, 43 tuổi, không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu tạm ổn, hình ảnh chụp X-quang phổi không tổn thương xấu thêm.Người dân Hạ Lôi, Hà Nội, chờ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nCoV.
Hạ Lôi vẫn là ổ dịch mới và lớn nhất hiện nay với 13 ca. Hôm qua, Hà Giang lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm – “bệnh nhân 268”, khiến tỉnh từ nhóm địa phương nguy cơ thấp chuyển sang có nguy cơ.
Trong các ca nhiễm, số bị lây trong cộng đồng là 108, chiếm 40%; 160 người từ nước ngoài về, chiếm 60%. Gần 74.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 369 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.600 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
18:13 16/04
Chiều 16/4, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19
Bản tin lúc 18h00 chiều ngày 16/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết đến thời điểm này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cả nước hiện vẫn có 268 ca mắc.
Theo thống kê, trong tổng số 268 trường hợp nhiễm nCoV, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 68.049, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 471; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.413; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 56.165.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày hôm nay đã có 5 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca xuất viện lên 176.
Hiện, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 7. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 29.
18:06 16/04
20 nhân viên y tế trở thành F1 khi tiếp xúc cô gái mắc Covid-19 ở Hà Giang
Sáng 16/4, Hà Giang ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên. Đó là bệnh nhân 268, nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho biết, bệnh nhân nhập viện hồi 14 giờ 41 phút ngày 8/4, vào thẳng khu cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.
Trước đó, bệnh nhân có khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Phó Bảng (Đồng Văn). Tại Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, chụp phổi 2 lần. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân thấy khó thở tăng dần.
Về yếu tố dịch tễ, cô gái 16 tuổi này tiếp xúc với anh trai, là người đi làm thuê bên Trung Quốc về và đã hoàn thành cách ly trong khoảng thời gian giữa tháng 3. Còn lại, hầu như bệnh nhân ít đi lại, giao lưu.
Qua điều tra, số người tiếp xúc gần (F1) là 56 người; 20 nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp gồm 5 người tại Phòng khám Đa khoa khu vực Phố Bảng, 13 người tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn và 2 người thuộc Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn; 29 người người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).
Hiện, ngành Y tế đã cử đội phản ứng nhanh tuyến tỉnh và cử đoàn công tác lên chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ huyện Đồng Văn. Ông Thuần cho hay, thôn Pín Tủng khá biệt lập so với các thôn khác trong xã, chỉ có 1 đường chính vào thôn, 5 lối nhỏ, trong có 3 lối mòn giáp nước bạn. Thôn có 29 hộ, 192 nhân khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu ngành chức năng sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế, những nơi bệnh nhân đã từng đi, đến.
Riêng đối với huyện Đồng Văn, thực hiện phong tỏa thôn Pín Tủng, cách ly xã Phố Là, thị trấn Phố Bảng, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, Phòng khám Đa khoa khu vực Phố Bảng. Thị trấn Đồng Văn cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu duy trì nghiêm 49 chốt kiểm dịch trên địa bàn đã thành lập và thành lập thêm 8 chốt tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.
18:00 16/04
Hai mẫu bệnh phẩm phi công Anh cho kết quả ngược nhau
Kết quả xét nghiệm dịch rửa phế quản “bệnh nhân 91” sáng 16/4 âm tính, song dịch ở mũi và họng dương tính.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết hai mẫu dịch này được lấy cùng một thời điểm, chỉ khác vị trí trên cơ thể bệnh nhân.
“Kết quả này là bình thường, có thể là tín hiệu tải lượng virus đã giảm đáng kể”, tiến sĩ Châu giải thích.
Tải lượng virus là số lượng thành phần của virus trong một thể tích máu, giúp đánh giá hiệu quả của việc điều trị kháng virus.
Diễn biến lâm sàng của phi công Anh, 43 tuổi, tiếp tục có tín hiệu lạc quan. Bệnh nhân có dấu hiệu nhận biết xung quanh dù đang còn duy trì thuốc an thần, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đã ngưng dùng thuốc vận mạch.
Xét nghiệm đông máu tình trạng tạm ổn, không còn chảy máu mũi. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực với thở máy, lọc máu hấp phụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm. Các chuyên gia hồi sức sẽ hội chẩn và chuẩn bị cho bệnh nhân cai ECMO.
Lọc máu hấp phụ kháng thể là dùng bộ lọc đặc biệt lấy các kháng thể bất thường của bệnh nhân ra ngoài. Hệ miễn dịch của bệnh nhân này phản ứng rất mạnh, đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều cytokine gây ảnh hưởng các phủ tạng.
Đây là ngày thứ ba bệnh nhân có dấu hiệu lạc quan sau thời gian dài diễn tiến xấu. Các kết quả xét nghiệm nCoV của bệnh nhân rất thất thường. Ngày 12/4, kết quả xét nghiệm dịch lấy ở phế quản và mũi họng đều âm tính. Sau đó một ngày xét nghiệm dương tính trở lại, phổi tổn thương nặng hơn, hô hấp hoàn toàn lệ thuộc vào ECMO. Bộ Y tế phải mua thuốc hiếm về đông máu từ nước ngoài để cứu chữa bệnh nhân.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, được xác định dương tính ngày 18/3. Anh sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không có bệnh nền.
Trước đó, từ ngày 13 đến 18/3, anh ở TP HCM và tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
16:57 16/04
3 nhân viên Công ty Trường Sinh mắc COVID-19 điều trị ở Hà Nam khỏi bệnh
16h00, ngày 16/4/2020, thông tin từ tiểu Ban điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa cho biết, có thêm 03 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này cả nước đã có tổng cộng 176 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân 168: nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
– Ngày vào viện: 28/3/2020
– Trong quá trình điều trị bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 7/4/2020; lần 2 vào ngày 11/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/20202.
Bệnh nhân 188: nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
– Ngày vào viện: 28/3/2020
– Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 11/4/2020; lần 2 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân 231: nam, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
– Ngày vào viện: 28/3/2020
– Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 7/4/2020; lần 2 vào ngày 11/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 16/4, 2 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh cũng được công bố khỏi bệnh. Đó là: Bệnh nhân 52: nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 13/3/2020. Và Bệnh nhân 149: nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 25/3/2020
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
16:48 16/04
Ổ dịch COVID-19 tại quán bar Buddha – TP Hồ Chí Minh hết thời gian theo dõi
Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại quán bar Buddha (Quận 2, TPHCM) có 4.481 người tiếp xúc, đã hết thời gian theo dõi. Như vậy đến nay, chỉ có 18 người mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch này.
Ngày 16/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến quán bar Buddha (quận 2) đã hết thời gian theo dõi do không có thêm ca nhiễm mới nào trong thời gian qua. Cụ thể, liên quan đến chuỗi lây nhiễm này đã có 4.481 người tiếp xúc, đã hết thời gian theo dõi.
Như vậy, đến nay chỉ có 18 người mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch tại quán bar Buddha này. Hiện nay đã có 11 người điều trị khỏi và được xuất viện.
Riêng bệnh nhân 91 (phi công người Anh) được xác định là ca chỉ điểm đang trong tình trạng nặng, được các y bác sĩ tích cực điều trị. Đến sáng 16/4, tình trạng bệnh có dấu hiệu tích cực lạc quan hơn, bệnh nhân nhận biết được xung quanh. Kết quả xét nghiệm cho thấy dịch rửa phế quản đã âm tính SARS-CoV-2, tuy nhiên dịch mũi họng còn dương tính.
Hiện bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực với thở máy, lọc máu hấp phụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm. Trong thời gian tới, các chuyên gia hồi sức sẽ hội chẩn và chuẩn bị cho bệnh nhân cai ECMO.
11:23 16/04
Phong tỏa bản nơi ‘bệnh nhân 268’ cư trú
Do xuất hiện “bệnh nhân 268”, bản Tín Tùng, xã Phố Là với 126 người dân bị phong tỏa; Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn ngừng tiếp nhận người đến khám.
Sáng 16/4, bà Sùng Thị Xén, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn, cho biết đêm qua huyện đã phong tỏa bản Tín Tùng, phun khử khuẩn và đưa những người trong gia đình “bệnh nhân 268” đi cách ly tập trung. Ba chốt chặn được lập tại thôn Tín Tủng cùng hai chốt tại đường 379 và đường từ trụ sở xã đến bản.
Từ hôm nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, nơi bệnh nhân điều trị, tạm thời dừng tiếp nhận người bệnh đến khám nội trú, ngoại trú, chỉ nhận ca cấp cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Giao, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Giang, tỉnh đã xác định được 33 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với “bệnh nhân 268”. Trong đó Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn có 14 người, bản Tín Tùng 19 người. 84 trường hợp F2 chủ yếu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn.
“Bệnh nhân 268”, nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại bản Tín Tùng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Thiếu nữ có ba anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Ngày 7/4, em bị sốt, ho, khó thở, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, xét nghiệm kết quả dương tính.
Đến 6h ngày 16/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam là 268. Số người đang điều trị là 97, số đã khỏi 171.
11:23 16/04
Phong tỏa bản nơi ‘bệnh nhân 268’ cư trú
Do xuất hiện “bệnh nhân 268”, bản Tín Tùng, xã Phố Là với 126 người dân bị phong tỏa; Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn ngừng tiếp nhận người đến khám.
Sáng 16/4, bà Sùng Thị Xén, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn, cho biết đêm qua huyện đã phong tỏa bản Tín Tùng, phun khử khuẩn và đưa những người trong gia đình “bệnh nhân 268” đi cách ly tập trung. Ba chốt chặn được lập tại thôn Tín Tủng cùng hai chốt tại đường 379 và đường từ trụ sở xã đến bản.
Từ hôm nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, nơi bệnh nhân điều trị, tạm thời dừng tiếp nhận người bệnh đến khám nội trú, ngoại trú, chỉ nhận ca cấp cứu.Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn đã tạm thời dừng tiếp nhận người dân đến khám.Theo ông Nguyễn Văn Giao, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Giang, tỉnh đã xác định được 33 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với “bệnh nhân 268”. Trong đó Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn có 14 người, bản Tín Tùng 19 người. 84 trường hợp F2 chủ yếu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn.
“Bệnh nhân 268”, nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại bản Tín Tùng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Thiếu nữ có ba anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Ngày 7/4, em bị sốt, ho, khó thở, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, xét nghiệm kết quả dương tính.
11:18 16/04
Hơn 8.000 mẫu xét nghiệm ở thôn Hạ Lôi âm tính
Trong số 10.100 mẫu xét nghiệm lấy tại Hạ Lôi (Mê Linh) đã có 8.095 mẫu âm tính, 2.090 mẫu chờ kết quả.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết như trên, sáng 16/4. Ngoài ra, toàn bộ 1.834 mẫu bệnh phẩm lấy ở thôn Liễu Trì, nằm cạnh Hạ Lôi cũng cho kết quả âm tính.
“Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi đã cơ bản được kiểm soát, chưa lây lan sang thôn bên cạnh”, ông Cảm nói và cho hay hiện nay CDC sẵn sàng tiếp nhận mẫu 24/24 giờ từ các quận, huyện để xét nghiệm nhanh nhất.
Thành phố đã điều tra được 999 người liên quan chợ hoa Mê Linh (nơi “bệnh nhân 243” từng buôn bán) ở 18 quận, huyện và giám sát, cách ly tại nhà.
Thời gian tới, CDC sẽ mở rộng giám sát các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, sốt, đau họng, viêm phổi từ các cơ sở y tế cấp xã, phường. Các chùm ca bệnh (từ 2 ca trở lên) có biểu hiện cúm cũng sẽ được khoanh vùng để kiểm soát.
Đến sáng 16/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19, số người đã khỏi 171. Hà Nội đang có số người nhiễm nhiều nhất cả nước với 129 ca, 76 người khỏi bệnh. Thôn Hạ Lôi với 10.080 người bị phong tỏa từ ngày 7/4 và đến nay đã ghi nhận 13 ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn.
07:49 16/04
Gần 134.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Đại học Johns Hopkins ghi nhận 2.056.055 ca nhiễm và 133.572 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. 509.741 người đã bình phục.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 636.350 ca nhiễm và 28.326 ca tử vong, tăng lần lượt 33.361 và 2.652 ca.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.584 ca nhiễm và 453 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 177.644 và 18.708, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.
Italy báo cáo 2.667 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 13/3, nâng tổng số người nhiễm lên 165.155. Họ ghi nhận thêm 578 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.645. Trong khi số ca nhiễm mới đang giảm dần đều, số ca tử vong trong một ngày đã lơ lửng trong khoảng từ 525 đến 636 trong 11 ngày qua, ngoại trừ lần giảm mạnh xuống 431 hôm 12/4.
Pháp ghi nhận thêm 4.560 ca nhiễm và 1.438 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 147.863 và 17.167.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 133.456 và 3.592 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 1.246 và 97 ca. Đức bắt đầu nới lỏng hạn chế từ ngày 15/4, cửa hàng dưới 800 m2 được phép mở cửa nếu có “kế hoạch duy trì vệ sinh”. Lệnh cấm tụ tập hơn hai người ở nơi công cộng vẫn được áp dụng, ngoài các thành viên gia đình sống cùng nhau.
Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 98.476 ca nhiễm và 12.868 người chết, tăng lần lượt 4.603 và 761. Thống kê ca tử vong tại Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người chết tại nhà và viện dưỡng lão. Chính phủ Anh đang đối mặt với áp lực gộp số ca tử vong trong các viện dưỡng lão vào tổng số người chết.
Chính quyền Boris Johnson ngày 16/4 sẽ ra thông báo về việc xem xét lại các biện pháp “cách biệt cộng đồng”. Phát ngôn viên của Johnson nhấn mạnh các cố vấn không tin rằng Anh đã qua đỉnh dịch.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa thông báo số liệu mới.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 76.389 ca nhiễm và 4.777 người chết, tăng lần lượt 1.512 và 94. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày dưới 100.
Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Nhiều người suy đoán số liệu thực sự có thể cao hơn nhiều thống kê chính thức.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 5.453 ca nhiễm và 349 ca tử vong. Chính phủ Philippines hôm 13/4 đưa ra chương trình xét nghiệm tăng cường nhằm xác định khoảng 15.000 ca nhiễm nCoV chưa được phát hiện. Chính phủ nước này cũng tin rằng đóng cửa biên giới và cách ly gần một nửa dân số tại nhà có thể ngăn chặn thảm họa y tế.
Indonesia xếp thứ hai với 5.136 ca nhiễm và 469 ca tử vong, tăng lần lượt 297 và 10 ca. Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ cuối tháng 3 để đối phó dịch bệnh. Chính phủ cũng công bố các biện pháp hỗ trợ người dân thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của các hạn chế, bao gồm mở rộng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực, giảm giá điện và miễn thuế.
Malaysia báo cáo thêm 85 ca nhiễm và một người tử vong, nâng tổng số lên 5.072 và 83. Ngoài phong tỏa biên giới, Malaysia cũng đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người. Toàn bộ địa điểm tôn giáo và cửa hàng kinh doanh, trừ siêu thị và ngân hàng, cũng phải ngừng hoạt động.
Số ca nhiễm ở Singapore tăng kỷ lục 447 ca, nâng tổng số lên 3.699, trong đó 10 người chết.Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi dân chúng hy sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm nCoV. Ông Lý cảnh báo chỉ cần một số không tuân thủ, toàn bộ những “bất tiện, đau đớn và hy sinh” mà dân Singapore phải trải qua sẽ thành vô nghĩa.
07:44 16/04
Số ca nhiễm nCoV lên 268
6h ngày 16/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm một ca nhiễm nCoV, là người ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Như vậy, 24 giờ qua thêm một ca nhiễm, hai người khỏi bệnh. Tổng số ca nhiễm lên 268. Số người đang điều trị là 97, số người đã khỏi 171.
“Bệnh nhân 268”, nữ, 16 tuổi, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Thiếu nữ có ba anh trai làm việc tự do bên kia biên giới. Ngày 7/4, cô có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, xét nghiệm kết quả dương tính.
Đến sáng nay, đa số bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định. 23 ca xét nghiệm âm tính lần một, 10 ca âm tính lần hai.
Ba bệnh nhân nặng đang thở máy, lọc máu là bệnh nhân 19, 161 và 91. Trong đó, “bệnh nhân 19” đã có tiến triển, Glassgow (thang đo hôn mê) 14 điểm. “Bệnh nhân 91” không sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu – Hội chứng HIT.
Số người lây nhiễm trong cộng đồng là 108, chiếm 40,3%; 160 người từ nước ngoài về, chiếm 59,7%.
Hơn 68.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 471 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác gần 11.500 người. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú hơn 56.000 người.
>> Covid-19 ngày 15/04: TP. HCM, Hà Nội cách ly xã hội đến 22/4
>> Covid-19 ngày 14/04: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm 266
>> Covid-19 ngày 13/04: Số ca nhiễm lên 265, kiến nghị cách ly xã hội thêm một tuần
>> Covid-19 ngày 12/04: Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới
>> Covid-19 ngày 11/04: Hơn 18.000 người chết vì dịch tại Mỹ
>> Covid-19 ngày 10/04: Bệnh viện Bạch Mai hết phong toả vào ngày 12/4
>> Covid-19 ngày 09/04: Thêm 4 ca mắc mới, Việt Nam có 255 ca nhiễm
>> Covid-19 ngày 08/04: Thêm 2 ca dương mới, Việt Nam ghi nhận 251 ca nhiễm
>> Covid-19 ngày 07/04: Buổi sáng không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
>> Covid-19 ngày 06/04: Số ca nhiễm Covid-19 lên 245
>> Covid-19 ngày 05/04: 272 công dân tại Cần Thơ thôi cách ly tập trung
>> Covid-19 ngày 04/04: Đà Nẵng cách ly có thu phí người về từ Hà Nội và TP. HCM
>> Covid-19 ngày 03/04: Ba bệnh nhân bình phục ‘thần tốc’
>> Covid-19 ngày 02/04: Thêm 12 bệnh nhân ở Việt Nam khỏi bệnh
>> Covid-19 ngày 01/04: Việt Nam công bố dịch bệnh toàn quốc
>> Covid-19 ngày 31/03: Bé trai 10 tuổi ở TP. HCM nhiễm dương tính
>> Covid-19 ngày 30/3: Điểm nóng Bệnh viện Bạch Mai và 194 ca tại Việt Nam
>> Covid-19 ngày 29/03: 60 ca nhiễm ở Việt Nam đã âm tính
>> Covid-19 ngày 28/03: Số ca nhiễm tăng lên 174
>> Covid-19 ngày 27/03: Hơn 500.000 người nhiễm Covid-19 toàn cầu
>> Covid-19 ngày 26/03: Hà Nội công bố “ổ dịch” mới – Bệnh viện Bạch Mai
>> Covid-19 ngày 25/03: Hơn 18.600 người chết trên toàn cầu