Theo Bản tin lúc 18h00 ngày 9/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đã ghi nhận 04 ca bệnh mắc mới COVID-19, trong đó có 2 người tiếp xúc gần bệnh nhân 243, nâng tổng số ca mắc tại nước ta đến thời điểm này là 255 ca.
19:43 09/04
2.500 người Sài Gòn bị phạt vì không đeo khẩu trang
Kiểm soát việc thực thi quy định tránh lây lan Covid-19, TP HCM xử phạt gần 2.500 người không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền gần 500 triệu đồng.
Họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19 chiều 9/4, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, cho biết thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp triển khai Chỉ thị 16 “cách ly xã hội”.
Trong đó, thành phố xử phạt 2.482 người không đeo khẩu trang nơi công cộng; lập 62 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ giao thông, kiểm tra 81.000 phương tiện và đo thân nhiệt 110.000 người, phát hiện 60 trường hợp thân nhiệt cao, một người nghi nhiễm nCoV.
Ông Lê Thanh Liêm cho rằng TP HCM đang làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh. Trong 6 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố không có ca nhiễm mới. Trong 54 ca từ khi xuất hiện dịch, đã điều trị khỏi 37 người. Từ 12.000 người cách ly tập trung chỉ còn 600 người.
“Ổ dịch Buddha Bar & Grill (quận 2) đang nằm trong sự kiểm soát của thành phố”, ông Liêm nói. Hơn 4.100 người liên quan được xét nghiệm đều âm tính, còn 32 người đang chờ kết quả. 20 người từng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng có kết quả âm tính. Công an quận Thủ Đức kiểm tra ôtô vào thành phố, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tại cầu Vĩnh Bình (cửa ngõ TP HCM – Bình Dương).
TP HCM vừa ban hành bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp. Trong 10 tiêu chí đặt ra, nếu đơn vị nào có mức độ rủi ro trên 80% phải dừng sản xuất để khắc phục. Sở Y tế đang làm việc với Công ty Pouyuen (quận Bình Tân) có 72.000 công nhân, mức độ rủi ro lây nhiễm lên tới 91%.
Đánh giá từ nay đến ngày 15/4 là cơ hội vàng để chống dịch, ông Liêm khẳng định TP HCM tiếp tục thực hiện nghiêm quy định, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng.
Trong đó, thành phố đẩy mạnh phòng chống dịch tại các khu nhà trọ, nhà tạm, khu chế xuất công nhân. “Thành công của công tác này phụ thuộc vào sự chấp hành của người dân”, ông Liêm nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động, kiên quyết của TP HCM trong công tác chống dịch và đề nghị thành phố thực hiện mạnh mẽ hơn nữa Chỉ thị 16.
19:41 09/04
Ca nhiễm mới nCoV ở Đông Nam Á tăng mạnh
Indonesia và Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới nCoV cao nhất từ khi dịch bùng phát, trong khi Philippines thêm hơn 200 người nhiễm.
Achmad Yurianto, người đứng đầu cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Indonesia, cho biết nước này ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục hôm nay, 336 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.293. Số ca tử vong cũng tăng thêm 40, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 280, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Giới chức y tế Singapore cùng ngày phát hiện thêm 142 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất từ khi xuất hiện dịch, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 1.623. Trong số các ca nhiễm mới, 55 ca liên quan đến các cụm dịch đã biết, 13 ca lây từ người đã nhiễm nCoV, hai ca nhập khẩu và 72 ca chưa rõ nguồn lây. Singapore đã ghi nhận 6 ca tử vong.
Malaysia ghi nhận 109 ca nhiễm mới nCoV ngày 9/4, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 4.228. Số ca tử vong cũng tăng thêm hai, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 67. Hai ca tử vong ở nước này gồm một người đàn ông 59 tuổi và một phụ nữ 23 tuổi, đều có bệnh lý nền. Nạn nhân 59 tuổi từng tham dự một buổi lễ ở nhà thờ Hồi giáo hồi tháng 1.
Philippines hôm nay ghi nhận thêm 21 ca tử vong, 206 ca nhiễm mới và hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 ở khu vực. Tổng số ca nhiễm tại Philippines là 4.076, trong đó 203 ca tử vong.
Thái Lan báo cáo 54 ca nhiễm mới nCoV và hai ca tử vong hôm nay. Hai nạn nhân tử vong gồm một người Pháp, 74 tuổi và một người Thái, 84 tuổi. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 2.423, trong đó 32 ca tử vong.
Các nước Đông Nam Á đều phải chịu ảnh hưởng của Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019. Dịch đã xuất hiện tại 209 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, gần 89.000 người chết khắp thế giới.
18:48 09/04
Thêm 4 ca mắc mới Covid-19, Việt Nam có 255 ca
Theo Bản tin lúc 18h00 ngày 9/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đã ghi nhận 04 ca bệnh mắc mới COVID-19, trong đó có 2 người tiếp xúc gần bệnh nhân 243, nâng tổng số ca mắc tại nước ta đến thời điểm này là 255 ca.
Bệnh nhân 252: Bệnh nhân nam, 6 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Phường 12, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân sống tại Campuchia cùng gia đình có 5 người, trong đó 2 người đã được xác định mắc COVID-19 và được cách ly, điều trị tại Campuchia.
Ngày 8/4, bệnh nhân cùng 2 người còn lại trong gia đình trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh bằng xe chuyên dụng.
Cùng ngày bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hai người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Bệnh nhân 253: Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là chị dâu, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN243.
Ngày 6/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 09/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân 254: Bệnh nhân nam, 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là hàng xóm có tiếp xúc gần BN243, BN250.
Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 9/4, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội, hiện đang được cách ly, điều trị tại đây.
Bệnh nhân 255: Bệnh nhân nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Bắc Quang, Hà Giang. Ngày 27/3, bệnh nhân từ Nga về Sân bay Quốc tế Nội Bài trên chuyến bay SU290.
Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Ngày 8/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
17:47 09/04
Việt Nam sẽ dùng huyết tương điều trị Covid-19
Các chuyên gia hàng đầu về huyết học và bệnh truyền nhiễm đang nghiên cứu sử dụng huyết tương người khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân nặng.
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, cho biết Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành huyết học nghiên cứu tách chiết huyết tương từ người khỏi, để điều trị cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.
Sáng 9/4, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã cử bác sĩ làm việc cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để xây dựng quy trình, hướng dẫn, chỉ định của phương pháp điều trị bằng huyết tương. Trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn chọn người cho máu để tách huyết tương và bệnh nhân được chỉ định điều trị, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phụ trách. Còn Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sẽ tách chiết huyết tương theo yêu cầu.
16:27 09/04
Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, Việt Nam đã chữa khỏi 128 ca
Sáng nay 9/4, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đã công bố khỏi bệnh cho 2 bệnh nhân mắc COVID-19. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 128/251 trường hợp mắc bệnh.
2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đã được công bố khỏi bệnh bao gồm: Bệnh nhân 203 và bệnh nhân 234.
Bệnh nhân 203: Bệnh nhân nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
– Vào viện ngày 27/3/2020
– Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 5/4/2020; âm tính lần 2 vào ngày 6/4/2020. Hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân 234: Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, quốc tịch Việt Nam
– Vào viện ngày: 30/3/2020
– Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 5/4/2020; âm tính lần 2 vào ngày 6/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Trước đó, theo thông báo của Bộ Y tế, BN203 và BN234 đều từ nước ngoài trở về Việt Nam và đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó: 156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát).
Đã có 128/251 trường hợp được chữa khỏi, các ca bệnh còn lại đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế trên cả nước.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 cho biết, hiện Trung tâm đang hàng ngày nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của các Giáo sư đầu ngành hội chẩn với các bệnh viện đang điều trị người bệnh, đặc biệt là với các người bệnh nặng để cập nhật tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời.
Tin vui là các bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt và nhiều bệnh nhân xét nghiệm đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần, trong đó đến thời điểm này có 18 bệnh nhân được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.
13:02 09/04
Bắc Giang yêu cầu người dân không được đến Hà Nội và TP. HCM
Người dân Bắc Giang không được di chuyển đến các tỉnh, thành có dịch, ngoại trừ lý do công vụ và trường hợp đặc biệt.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang, yêu cầu trên có hiệu lực từ 9/4 đến khi có thông báo mới. Các tỉnh, thành có dịch bao gồm Hà Nội và TP HCM.
Trường hợp đặc biệt buộc phải đi đến các địa phương có dịch (ốm đau đi khám chữa bệnh…), người dân Bắc Giang phải báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thành phố nơi cư trú; khi về phải đi cách ly tập trung 14 ngày; sau đó tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày.Trạm kiểm soát y tế trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
Ông Lê Ánh Dương – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, các trường hợp từ địa phương có dịch đến Bắc Giang cũng phải cách ly theo quy định. “Người dân quê Bắc Giang, từ Hà Nội về quê có việc gấp trong ngày rồi quay lại Hà Nội, sẽ được xem xét theo lịch trình di chuyển thực tế và địa phương nơi cư trú tự quyết định có cần phải cách ly hay không”, ông Dương nói.
Những người từ Hà Nội, TP HCM đến làm việc trong khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang không thuộc diện cách ly tập trung; tuy nhiên phải khai báo y tế, lịch sử di chuyển 14 ngày trước khi đến Bắc Giang.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này sẽ lấy mẫu những người này để xét nghiệm Covid-19, trường hợp âm tính sẽ được cấp giấy xác nhận cho phép di chuyển từ nơi tạm trú đến nơi làm việc; sau 7-10 ngày tiếp theo phải xét nghiệm lần 2 (kinh phí xét nghiệm tự chi trả).
Trường hợp từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh có ca nhiễm Covid-19 đến Bắc Giang vì mục đích công vụ, như phóng viên báo, đài; lái xe chở hàng hóa thiết yếu, chở công nhân; chuyên gia, lắp đặt trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế…, phải liên hệ, thông báo trước cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang để được chấp thuận và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch.
Ngoài ra, Bắc Giang yêu cầu người dân có lịch sử di chuyển liên quan đến bệnh viện Bạch Mai (đi khám bệnh, thăm người thân…) phải kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên 28 ngày.
12:59 09/04
Bác gái ‘bệnh nhân 17’ ba lần ngừng tuần hoàn
Sức khỏe bệnh nhân 64 tuổi trở nặng, 3 lần ngừng tuần hoàn, các chuyên gia đang xem xét chỉ định can thiệp ECMO trở lại.
Bệnh nhân bắt đầu chuyển nặng đêm 7/4. Các chuyên gia hồi sức tích cực, cấp cứu, hô hấp… lập tức hội chẩn điều trị cho bệnh nhân, tình trạng sau đó đã tạm ổn. Đến sáng 9/4, bệnh nhân vẫn duy trì thở máy. Các bác sĩ đang xem xét khả năng tái can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể).
Bệnh nhân vốn diễn biến suy hô hấp nặng, được can thiệp ECMO từ ngày 19/3 tới ngày 4/4, sau đó sức khỏe tốt hơn nên chuyển sang thở máy. Bà có bệnh lý nền rối loạn tiền đình.
Hiện có 5 bệnh nhân phải thở máy. “Bệnh nhân 91”, phi công người Anh, phải lọc máu, chạy ECMO, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
12:58 09/04
Ca nCoV tại Singapore tăng kỷ lục
Giới chức y tế Singapore ghi nhận thêm 142 ca nhiễm nCoV tại nước này, mức tăng cao nhất tới nay, nâng tổng số người nhiễm lên 1.623.
Trong số các ca nhiễm mới, 55 ca liên quan đến các cụm dịch đã biết, 13 ca lây từ người đã nhiễm nCoV, hai ca nhập khẩu và 72 ca chưa rõ nguồn lây, Bộ Y tế Singapore hôm nay cho biết. Thêm 29 người đã hồi phục và được ra viện, nâng tổng số người hồi phục lên 406.
Bộ Y tế Singapore đang điều tra nguyên nhân cái chết của một người Ấn Độ 32 tuổi nhiễm nCoV, không liên quan đến ca nhiễm nào ở nước này. Người đàn ông tới Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia để lấy mẫu xét nghiệm, sau đó được khuyên về nhà để chờ kết quả, nhưng qua đời ngày hôm sau.
Singapore đang đối phó với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai với các ca nhiễm chủ yếu từ châu Âu và Mỹ. Nước này đã ra lệnh đóng cửa trường học cùng doanh nghiệp và những cơ sở không thiết yếu khác, có hiệu lực ngày 7/4-4/5, để ngăn nCoV lây lan. Quốc đảo đã cấm toàn bộ các cuộc tụ tập đông người, kể cả nơi công cộng lẫn nhà riêng.
Các ký túc xá chật chội dành cho lao động nhập cư tại Singapore bị lo ngại có thể trở thành “quả bom” trong đại dịch. Hơn 150 ca nhiễm có liên quan tới 7 khu ký túc xá dành cho những lao động nhập cư, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở Singapore.
07:44 09/04
Hơn 77.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh đang được theo dõi, cách ly
Theo thống kê từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, đến nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 77.298, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 642; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 27.790; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.866)
Tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm cộng dồn là 110.124 mẫu (số mẫu dương tính: 251, số mẫu âm tính: 109.873).
Tại Việt Nam, tính đến tối 8/4 ghi nhận 251 trường hợp mắc tại 26 tỉnh, thành phố, đứng thứ 104 trong 210 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19.
Đáng lưu ý trong đó có 126 trường hợp (chiếm tỷ lệ 50,2%) bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 125 bệnh nhân đang được điều trị trong 16 cơ sở y tế.
Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 23.349; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 2.537.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các tỉnh, thành phố về việc rà soát, quản lý, cách ly, lấy mẫu những người đi về từ Bệnh viện Bạch Mai và những người nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ Y tế cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh, quán bar Buddah.
07:38 09/04
Trung Quốc tạm đóng cửa biên giới với Nga do lo ngại Covid-19
Trong một thông cáo phát đi tối 8/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow cho biết, tất cả các cửa khẩu trên bộ giữa Trung Quốc và Nga sẽ “tạm thời đóng cửa”. Tuy nhiên, thông cáo không nêu liệu khi nào các cửa khẩu này mở cửa trở lại.
Trung Quốc và Nga có chung đương biên giới kéo dài 4.300km với các cửa khẩu tại Hắc Long Giang, Cát Lâm và Nội Mông.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ngoại nhập tại Trung Quốc có xu hướng tăng. Ủy ban y tế Hắc Long Giang cho biết, địa phương này đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 “nhập khẩu” trong ngày 7/4, tất cả đều là công dân Trung Quốc từ Nga trở về. Cùng ngày, tỉnh này cũng ghi nhận 86 ca không triệu chứng đều là công dân Trung Quốc trở về từ Nga.
Cảng Tuy Phân Hà ở Hắc Long Giang cũng đã ngừng đón khách từ hôm 7/4 nhằm ngăn tình trạng số ca mắc Covid-19 “nhập khẩu” gia tăng. Giới chức tỉnh đã cử một nhóm công tác đặc biệt tới Tuy Phân Hà để kiểm tra công tác phòng và kiểm soát dịch tại thành phố biên giới này.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán cuối năm ngoái. Trong khi dịch Covid-19 giai đoạn 1 ở Trung Quốc được kiểm soát với việc Trung Quốc dỡ phong tỏa thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân, giới chức nước này đang lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai từ các ca ngoại nhập và cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ làn sóng lây nhiễm thứ hai này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp, trong đó có tạm ngừng nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ cuối tháng 3, giảm số chuyến bay quốc tế.
Giới chức nước này tiếp tục siết quy định, yêu cầu công dân phải trình giấy chứng nhận sức khỏe và lịch sử di chuyển trong vòng 14 ngày trước khi lên máy bay về Trung Quốc.
07:33 09/04
Ca tử vong nCoV Anh tăng kỷ lục
Anh ghi nhận thêm 938 ca tử vong, nâng số người chết vì nCoV lên 7.097 trong 60.733 người nhiễm.
“Trong số những người nhập viện ở Anh dương tính với nCoV, 7.097 người không may đã chết”, Bộ Y tế Anh ngày 8/4 viết trên Twitter. Anh báo cáo 938 ca tử vong mới, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Bộ Y tế Anh cho biết thêm họ đã xét nghiệm 232.708 người, trong đó 60.733 người dương tính với nCoV, tăng 5.491 ca so với một ngày trước đó. 135 người đã bình phục.
07:25 09/04
Sáng nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 9/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, tổng số bệnh nhân 251, hơn 50% số này đã khỏi bệnh.
Như vậy trong 24 giờ qua không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Đây là lần đầu tiên trong hơn một tháng qua không thêm ca nhiễm mới trong 24 giờ. Tổng số bệnh nhân 251, trong đó 126 người đã khỏi, 125 người đang điều trị.
Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 25 người xét nghiệm âm tính lần một; 17 người kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, đủ điều kiện công bố khỏi. Năm ca thở máy, một phải lọc máu và can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể). Chưa có bệnh nhân nCoV tử vong.
Dự kiến hôm nay thêm 2 bệnh nhân tại TP HCM ra viện. Hôm qua 4 người điều trị ở TP HCM được tuyên bố khỏi Covid-19.
Tính đến 6h, tổng số người được cách ly là 77.298. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 642 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 27.790 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 48.886 người.
>> Covid-19 ngày 08/04: Thêm 2 ca dương mới, Việt Nam ghi nhận 251 ca nhiễm