Chứng khoán ngày 16/6: Nhờ cổ phiếu nhà Vin tăng trần, VN-Index quay lại sát mốc 860 điểm

Chỉ số VN-Index tăng mạnh 23 điểm và quay lại sát mốc 860 điểm, mặc dù thanh khoản khớp lệnh suy giảm và ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên.

>> Ngân hàng rục rịch trở lại với kế hoạch niêm yết cổ phiếu

Chứng khoán ngày 16/6: Nhờ cổ phiếu nhà Vin tăng trần, VN-Index quay lại sát mốc 860 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 16/6/2020.

HOSE – Bộ 3 cổ phiếu Vingroup dẫn dắt thị trường

Sau phiên bán tháo hôm qua, các mã lớn đua nhau tăng mạnh từ sớm vào sáng nay. Chỉ số VN-Index vọt lên sát mốc 850 điểm ngay sau đợt ATO, cao hơn 18 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản tốt tiếp tục là điểm nhấn trên thị trường.

Rổ VN30 phần lớn tăng giá tốt với sự dẫn dắt của bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup. Số mã tăng giá nhiều hơn 3 lần so với số mã giảm trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng tại 850,81 điểm, tăng 18,34 điểm (+2,2%) so với tham chiếu. Thanh khoản giảm nhẹ 3% so với sáng qua, đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 250 triệu đơn vị.

Đến chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng và đạt đỉnh ngày tại 858 điểm, cao hơn 25 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng khi chỉ số này tiến gần ngưỡng kháng cự 860 điểm. Thị trường rung lắc. Một số mã lớn thu hẹp nhẹ đà tăng khiến VN-Index giật nhẹ trở lại và đóng cửa tại 856,13 điểm, tăng 23,66 điểm (+2,84%) so với tham chiếu.  

Chốt phiên hôm nay có 307 mã tăng và 94 mã giảm giá, trong đó, 28 mã tăng trần và 10 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có tới 26 mã giảm giá, trong đó VHM và VRE tăng trần. Bảy cổ phiếu tăng trên 3% gồm BVH, CTG, HPG, ROS, SSI, VIC, VNM.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM, VRE đều tăng giá nên đã đóng góp vào đà tăng cho VN-Index với 10 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn tăng giá. Do đó, ngành này cũng góp phần lớn vào đà tăng của VN-Index với 4,9 điểm ảnh hưởng.

Ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM, GAS, HPG là ba cổ phiếu tác động lớn lên chỉ số chính với 3,7 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 42% về lượng và 75% về giá trị so với phiên trước, đạt 412,4 triệu đơn vị, tương đương 5,6 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 117,9 triệu đơn vị, tương đương 2,89 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HQC (+5,3%) với 51,9 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (-5,9%) với 22,3 triệu đơn vị và STB (-1,2%) đạt 18,8 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng với 56,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 724,2 triệu đơn vị, trong khi đó, phiên trước đã mua ròng 14,86 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, VHM vẫn dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất nhưng không còn đột biến với 42,74 tỷ đồng, tương đương 577,9 nghìn đơn vị. HPG theo sau được mua ròng 23,9 tỷ đồng; SSI với 16,6 tỷ đồng; DXG với 15,9 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VCB với 31,3 tỷ đồng, tương đương 374,7 nghìn đơn vị. Tiếp đến, STB bị bán ròng 22,46 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, NAV (CTCP Nam Việt; đóng cửa giá trần) tăng 848,6 lần; MHC (CTCP MHC; giá trần) tăng 7,7 lần; UIC (CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO) tăng 4,6 lần; ATG (CTCP An Trường An; giá trần) tăng 4,5 lần.

HNX – Tăng điểm trở lại

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ sau vài phút đầu phiên, chỉ số HNX-Index đã vọt lên vùng 115 điểm, cao hơn 2 điểm so với tham chiếu. Mặc dù thanh khoản sụt giảm, nhưng chỉ số HNX-Index vẫn duy trì được độ cao và đóng cửa tại 115,49 điểm, tăng 1,67 điểm (+1,67%), với 93 mã tăng giá và 61 mã giảm giá.

ACB (+2,15%) là mã góp phần lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,4 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 30% về lượng và 28% về giá trị so với phiên trước, đạt 62,5 triệu đơn vị, tương đương 599,3 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, HUT (+3,7%) dẫn đầu sàn khi đạt 9 triệu đơn vị. SHB (+1,9%) theo sau với 8,3 triệu đơn vị, ACB (+2,1%) đạt 4,2 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 5,9 tỷ đồng, tương đương 779,2 nghìn đơn vị, tăng 18% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại mua ròng 32 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 1,7 tỷ đồng, tương đương 27,3 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 29 mã và dẫn đầu là SHB đạt 6,2 tỷ đồng, tương đương 386 nghìn đơn vị.    

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục trở lại với mức tăng ít hơn mức giảm của phiên trước đó, đồng thời thanh khoản khớp lệnh cũng có sự suy giảm và ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy đây có khả năng chỉ là một phiên hồi phục kỹ thuật của thị trường và khả năng tiếp tục tăng mạnh không được đánh giá cao.

Trên góc nhìn kỹ thuật, phiên tăng hôm nay đã giúp chỉ số VN-Index trở về vùng dao động trước đó với cận trên là vùng 870-880 điểm (MA20-fibonacci retracement 61,8%) và cận dưới là ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên hai sàn với khoảng 50 tỷ đồng.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 17/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 870-880 điểm (MA20-fibonacci retracement 61,8%) và hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index hồi phục về vùng kháng cự trong khoảng 870- 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng nếu thị trường điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm.

Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, xu thế hồi phục của VN-Index sẽ gặp khó khăn tại vùng kháng cự 863-867 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Thị trường đang nhận lại sự hỗ trợ từ vùng 840-845 điểm.

Tuy nhiên, BVSC vẫn lưu ý rằng, nếu chỉ số xuyên thủng hoàn toàn vùng hỗ trợ này thì kịch bản thị trường giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn 780-820 điểm là hiện hữu trong ngắn hạn. Ngoài ra, thị trường có thể bị biến động mạnh trong những phiên cuối tuần khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 06 diễn ra.

 Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài thị trường để chờ đợi các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn. Đối với các nhà đầu tư đang còn tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên bán giảm tỷ trọng trong những phiên thị trường tăng điểm.

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/6: VHM, DHC, SCS, TLG, HDB

T4 Th6 17 , 2020
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/6 của các công ty chứng khoán như BSC, Bản Việt (VCSC).
Copyright All right reserved

Chuyên mục