Không có thay đổi đáng kể sau cuộc họp của Fed. Đà tăng của chứng khoán dường như đã cạn, đồng USD không ngừng suy yếu, vàng đang được hỗ trợ mạnh mẽ.
>> Giá vàng ngày 10/6: Tăng mạnh khi chứng khoán chững lại
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới tăng vọt lên 1.740 USD/ounce vào cuối phiên Mỹ đêm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã tăng 8,7 USD lên 1.730,6 USD/ounce.
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày qua, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% và dự kiến sẽ duy trì chính sách lãi suất này cho tới năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19. Thêm nữa, Fed tiếp tục mua khoảng 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp mỗi tháng.
Trong thông cáo sau cuộc họp, Fed nhận định đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới.
Cơ quan này dự báo GDP của Mỹ năm nay giảm 6,5% rồi sau đó hồi phục 5% vào năm 2021 và 3,5% trong năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp năm nay ở mức 9,3%, giảm còn 6,5% vào cuối năm 2021, 5,5% vào cuối năm 2022, vẫn cao hơn 2 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Lạm phát năm nay có thể chỉ là 0,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ, và tăng lên 1,7% vào cuối năm 2022.
Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, “Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới việc nâng lãi suất. Chúng tôi chỉ đang nghĩ về việc hỗ trợ nền kinh tế và quá trình hỗ trợ này sẽ mất thời gian”.
Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường, “không có thay đổi nào từ Fed theo dự đoán của thị trường”.
Thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua chủ yếu giảm. Các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục có một phiên tăng giảm đan xen gồm S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 0,5% và 1%, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,7%.
Một vài chuyên gia thị trường đã nhận định rằng sau đợt tăng nóng vài tuần gần đây, thị trường chứng khoán đã đến lúc phải tạm nghỉ ngơi. Đà tăng đã cạn và các chỉ báo tâm lý nhà đầu tư cho thấy sự lạc quan có phần thái quá và áp lực chốt lời đang dần áp đảo. Điều này đang thúc đẩy thị trường vàng.
Mặt khác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng vừa đưa ra dự báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ giảm 6% nếu có thể tránh được làn sóng thứ hai của Covid-19.
Các thị trường bên ngoài quan trọng hôm qua cho thấy chỉ số đồng USD tiếp tục suy yếu và tạo đáy mới 3 tháng. Đồng bạc xanh đang trên đà lao dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, giá dầu thô Nymex gần như chững lại quanh mức 39 USD/ thùng sau khi đạt đỉnh 3 tháng trên 40 USD/ thùng vào thứ Hai. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 0,775%.
Trong một báo cáo ngắn mới đây, Goldman Sachs nhận định vàng sẽ đạt 1.800 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới và rủi ro lạm phát gia tăng chính là nguyên nhân để vàng vượt lên 2.000 USD.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng 11/6, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 48,52 – 48,87 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng tương ứng 100.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,45 – 48,58 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không thay đổi so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco, SJC)