“Cuộc chiến” dịch bệnh
Đối với các chính phủ, việc chiến đấu với đại dịch Covid-19 không khác gì chiến đấu trong chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo Ý, Tây Ban Nha và Đức đã dùng sự so sánh như vậy – cùng với các CEO của ngân hàng Bank of America và gã khổng lồ viễn thông AT&T (cả hai của Mỹ) – để mô tả các nỗ lực quy mô lớn cần thiết nhằm chống lại căn bệnh này.
Những nỗ lực đó bao gồm việc tổng động viên ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, điều chỉnh dây chuyền của các nhà máy để sản xuất khẩu trang và thiết lập hệ thống nhà xác tạm thời nhằm đáp ứng số người chết tăng nhanh.
Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tuyến tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tự mô tả mình như một tổng thống thời chiến.
Giờ đây, một điều đang trở nên ngày càng rõ ràng, thể hiện qua những số liệu thống kê kinh tế, là tác động của dịch bệnh, như trong một cuộc chiến, có thể sẽ rất khủng khiếp.
Chỉ tính riêng ở Mỹ, một số lượng kỷ lục 3,3 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được nộp vào tuần trước. Tổn thất việc làm ở Mỹ, theo dự đoán của Deutsche Bank, có thể vượt mức 15 triệu và châu Âu cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự.
“Địa chấn” tiền tệ
Nhiều quốc gia đang chuẩn bị những gói cứu trợ và kích thích kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ đô la, kéo dài các bảng cân đối chính phủ vốn đã dằng dặc nợ. Các ngân hàng trung ương, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu, đã cam kết bơm tiền hỗ trợ gần như không giới hạn cho thị trường tài chính.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, các nhà đầu tư đã đồng loạt tìm đến đồng đô la Mỹ để trú ẩn và điều này vô hình trung dìm đồng tiền của các thị trường mới nổi xuống, gây thêm thiệt hại kinh tế cho một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Với các quan chức đang bắt đầu hình dung về những gì cần thiết để tái thiết lại các nền kinh tế bị tổn thương bởi đại dịch và đưa xã hội trở lại bình thường, họ có thể nghĩ đến một sự dịch chuyển địa chấn có thể xảy ra trong hệ thống tiền tệ toàn cầu – một hiện tượng từng xảy ra sau các cuộc chiến tranh thế giới.
Giới tiền tệ không ai quên được sự kiện Bretton Woods. Tại địa danh này, khu nghỉ dưỡng trên núi ở New Hampshire (Mỹ), một cuộc họp mang tính lịch sử vào năm 1944 đã diễn ra, tạo khuôn mẫu cho hệ thống hiện tại. Trong đó, đồng đô la Mỹ được đặt ở vị trí thống trị thế giới suốt gần một thế kỷ.
Trở lại với hiện tại, “tôi sẽ không ngăn cản bất cứ thứ gì vào lúc này”, Markus Brunnermeier nói. Markus là giáo sư kinh tế của Đại học Princeton và từng là chuyên gia tư vấn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Ủy ban Rủi ro hệ thống châu Âu. Câu nói của ông ám chỉ sự đồng ý với một sự thay đổi “cần thiết và quan trọng” của hệ thống tiền tệ đương thời.
Dấu hỏi về sự thống trị của đồng đô la
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 tấn công nhân loại, các câu hỏi đã được đặt ra giữa một số nhà kinh tế và quan chức tiền tệ về việc liệu hệ thống dựa trên đồng đô la có thể tồn tại đến những năm 2020 hay không.
>> Thế giới bị mắc kẹt với dự trữ ngoại hối bằng USD
Một mối quan tâm là chính sách tiền tệ của Mỹ – hành động của Fed nhằm tối đa hóa việc làm trong nước và giữ giá ổn định – có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn cầu, thường là làm cho họ bị gia tăng lạm phát do đồng tiền bản địa suy yếu so với đô la.
Điều này có thể giúp các nhà xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn, nhưng người tiêu dùng thì phải chịu mức giá cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là từ Mỹ.
Một yếu tố khác là rất nhiều mặt hàng như dầu, đồng và vàng được định giá bằng đô la, khiến các nhà sản xuất bao gồm Nga, Brazil và Nam Phi bị lệ thuộc trên thị trường ngoại hối.
Những ứng cử viên tiền tệ đến từ thế giới số
Chủ tịch Ngân hàng Anh Mark Carney đã đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ bá quyền tổng hợp, có thể dựa trên các công nghệ tiền kỹ thuật số mới, nhằm giảm bớt ảnh hưởng độc tôn của đồng đô la đối với thương mại toàn cầu.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tiến hành thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số đồng nhân dân tệ cho mục đích thương mại quốc tế. Trong khi đó, Facebook – công ty mạng số một thế giới, đã đề xuất về việc tạo một mã thông báo thanh toán của riêng mình, có tên Libra, vào năm ngoái. Hay Bitcoin, đồng tiền điện tử được ra mắt vào thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-09, là một lựa chọn thay thế khác.
“Rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ đi qua cuộc khủng hoảng này”, Tim Shaler, cựu giám đốc danh mục đầu tư của quỹ trái phiếu Pimco, hiện là giám đốc kinh tế của iTrust Capital, người đã cho phép khách hàng mua tiền điện tử và vàng vật chất thông qua tài khoản hưu trí của họ, nói. “Nếu tạo ra được một loại tiền kỹ thuật số nào đó không gắn với bất kỳ nền kinh tế nội địa nào, thì có thể đó là cơ hội để giải quyết vấn đề của hệ thống tiền tệ sau khủng hoảng hiện nay”.
Những gói hỗ trợ nghìn tỷ của Fed
Không mấy ngạc nhiên khi Fed đang can thiệp rất sâu vào các thị trường Mỹ trong thời gian khủng hoảng. Chính sách “nới lỏng định lượng” (QE) đó đã được cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke đưa ra. Ông chủ trương bơm lượng lớn tiền vào hệ thống tài chính để cứu thanh khoản.
Trong vài tháng của năm 2008, từ tháng 8 đến tháng 12, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng gấp đôi quy mô lên hơn 2 nghìn tỷ đô la. Sau đó tăng tiếp gấp đôi một lần nữa lên hơn 4 nghìn tỷ đô la.
Hôm thứ Hai tuần rồi, ngân hàng trung ương Mỹ, do Chủ tịch Jerome Powell đứng đầu, đã đưa ra một cam kết chưa từng có, rằng sẽ mua trái phiếu với số lượng không giới hạn để hỗ trợ thị trường, đồng thời khôi phục các chương trình cho vay khẩn cấp (QE) từ năm 2008 cho các ngân hàng, đại lý ở Phố Wall và thậm chí cả các tập đoàn kinh tế.
Động tác mới của Fed có thể nhanh chóng đưa bảng cân đối của ngân hàng trung ương này lên trên 8 nghìn tỷ đô la, theo Stephen Cecchetti, người từng đứng đầu ngành tiền tệ và bộ phận kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Thụy Sỹ).
Hôm thứ Tư, các nhà lập pháp ở Washington đã tiến hành đàm phán về gói viện trợ trị giá 2 nghìn tỷ đô la, nhưng công ty nghiên cứu đầu tư Evercore ISI dự đoán nền kinh tế có thể cần thêm 3 nghìn tỷ đô la nữa.
Mối đe dọa lạm phát đồng đô la
Bất chấp cơn lũ đô la mới, đồng bạc xanh vẫn tăng giá trong những tuần gần đây lên mức mạnh nhất ba năm. Lạm phát bị câm nín vì nền kinh tế yếu kém đồng nghĩa giá cả tạm thời không chịu áp lực tăng.
Nhưng hàng nghìn tỷ đô la của Fed cuối cùng sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn. Cũng có thể sẽ xảy ra một làn sóng phản đối rằng việc bơm tiền như vậy chỉ đơn thuần cứu giúp các chủ ngân hàng và người giàu. Giới trung lưu hoặc thấp hơn tại Mỹ từng lập luận như vậy trong phong trào Chiếm phố Wall hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Bên ngoài nước Mỹ, các ngân hàng trung ương khác có thể nổi lên từ cú sốc Covid-19 với một khát khao mạnh mẽ về sự thoát ly khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Omer Ozden, CEO của RockTree Capital, một ngân hàng thương mại chuyên về công nghệ blockchain cho biết, sẽ rất thú vị khi xem màn trình diễn mới, nơi chúng ta có ít nhất hai tay chơi tài chính lớn sẽ nổi lên từ đây.
Trung Quốc sẽ có những suy nghĩ riêng và có thể có một hướng đi khác, như một tổ chức toàn cầu theo phong cách Bretton Woods chẳng hạn.
Một thế giới nghi ngờ và những hệ thống thiếu tin cậy
“Gần như sẽ không thể có một hiệp định tương tự như hiệp định Bretton Woods được đưa ra để đàm phán sau đại dịch”, Edwin Truman, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, người giám sát bộ phận quốc tế của Fed giai đoạn 1970 – 1990, nhận định.
Một phần, theo Truman, là do những khoảng cách mà ông Trump đã tạo ra. Cách ăn nói kiểu “vỗ mặt” và chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump trong những năm gần đây khiến nước Mỹ xa cách các đồng minh cũ ở châu Âu, trong khi chiến dịch bức tường biên giới làm gia tăng căng thẳng với láng giềng Mexico.
Ông Trump cũng đã đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại năm ngoái và gần đây gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc”.
Một trong những thách thức lớn của ngày hôm nay, trái ngược với giai đoạn 2008-2009, là tình trạng hợp tác quốc gia khá thấp, theo Truman. Để cùng nhau làm nên một sự thay đổi lớn trong hệ thống, cần sự đồng tâm hợp lực, nhưng mọi người dường như đang cố thủ cho riêng mình.
Theo George McDonaugh, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập KR1 của Isle of Man, một công ty đầu tư tiền điện tử, cuối cùng thì các gói nới lỏng định lượng sẽ là nguyên nhân làm dấy lên những xung đột cơ bản của hệ thống tiền tệ hiện tại. Cắt giảm lãi suất sâu và bơm tiền lượng lớn dường như đã trở thành giải pháp mặc định mỗi khi khủng hoảng thị trường xảy ra cứ sau 7 đến 11 năm.
>> Fed hạ lãi suất khẩn cấp về 0% vì dịch Covid-19
Các vụ bơm tiền nghìn tỷ đô của Fed trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã không làm suy yếu sự thống trị của đồng đô la trong những năm sau đó, nhưng lần này có thể khác.
“Nếu có ai đó trên TV nói rằng chúng ta có thể có tiền vô hạn, thì sẽ có người đứng đằng sau TV nói rằng, ‘Tại sao tôi lại làm việc hết mình trong 40 năm qua?’,” McD McDoughough nói. Có một sự bất công bằng lớn đã và đang diễn ra. Và khủng hoảng là cơ hội để sắp xếp lại.
(Theo TheLEADER)