Đồng Euro, đô la Úc, New Zealand, bảng Anh, Yên đều mạnh hơn so với đồng USD vào sáng nay. Chỉ số đồng USD tiếp tục tạo đáy mới 3 tháng.
>> Tỷ giá ngày 9/6: ‘Nín thở’ chờ động thái tiếp theo của Fed
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (10/6) ở mức 23.222 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h chiều nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.130 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng Vietinbank, Sacombank, ACB, HDBank và VIB niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.270 VND/USD.
So với chiều qua, VPBank đã điều chỉnh giá USD giảm nhiều nhất với 70/40 đồng (bán ra). Vietcombank giảm 20 đồng ở cả hai chiều. VIB giảm 10/20 đồng. MB giảm 15 đồng. Vietinbank, Techcombank và Sacombank giảm lần lượt 7 đồng, 4 đồng và 3 đồng. BIDV và ACB đều giảm 5 đồng.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, sáu đồng được điều chỉnh giảm so với chiều qua, trong đó AUD giảm mạnh nhất 1%. Trong bốn đồng tăng giá, CHF tăng nhiều nhất với 0,63%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD tiếp tục tạo đáy mới 3 tháng ở mức 96,35 điểm. Đồng bạc xanh sáng nay suy yếu đối với hầu hết các loại tiền tệ chính khác.
Thị trường xuất hiện một số suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể quyết định thực hiện các bước để kiềm chế sự gia tăng lợi suất trái phiếu gần đây tại cuộc họp chính sách tháng 6 đang diễn ra.
Một số nhà phân tích đang lưu ý rằng khả năng Fed sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất để đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp hơn.
Đồng đô la Úc (AUD) và New Zealand (NZD) hôm qua đã trượt khỏi đỉnh cao nhất hơn 5 tháng, nhưng có dấu hiệu hồi phục vào sáng nay. Tâm lý của nhà đầu tư vẫn dành phần tích cực cho hai đồng tiền này khi hoạt động kinh tế đang trở lại ở cả hai quốc gia sau khi dở bỏ các hạn chế do Covid-19.
Đồng Euro quay lại đỉnh 3 tháng vào sáng nay. Đồng bảng Anh cũng tạo đỉnh mới 3 tháng. Trong khi đó, cặp USD/JPY tiếp tục lao dốc phiên thứ 3 liên tiếp xuống 107,64.
Đồng USD chịu áp lực và vai trò ‘đồng tiền an toàn’ không được kích hoạt ngay cả khi Cục Nguyên cứu kinh tế Quốc gia Mỹ tuyên bố rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước vào suy thoái từ tháng 2 năm nay.
“Mức độ suy thoái chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất, cùng quy mô lớn trên toàn nền kinh tế, cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù nó có vẻ ngắn hơn các đợt suy thoái trước”, cơ quan này nhận định.
Thêm nữa, theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020 của Ngân hàng thế giới, kinh tế thế giới năm nay sẽ giảm 5,2%. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020. Còn nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến năm nay sẽ giảm 2,5%, sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. GDP của Mỹ và Nhật Bản đều giảm 6,1%; GDP của EU giảm 9,1%; GDP Trung Quốc tăng 1%.