HOSE – Phiên tăng thứ 5 liên tiếp của VN-Index
Chỉ số VN-Index tăng tới gần 8 điểm, lên gần mốc 745 điểm ngay sau phiên ATO sáng nay. Tuy nhiên, việc tăng nóng đã đi kèm với áp lực bán tăng mạnh, khiến chỉ số chính quay đầu giảm điểm và lùi sâu về gần 730 điểm, thấp hơn mốc tham chiếu 6 điểm. Thị trường phân hóa mạnh với số mã tăng giảm không quá khác biệt, tình hình tương tự diễn ra trong rổ VN30.
Sau vài lần lên xuống với biên độ nhỏ dần, chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng ở mức 743,49 điểm, tăng 6,74 điểm (+0,91%) với 168 mã tăng và 164 mã giảm. Rổ VN30 cũng khá cân bằng với 15 mã tăng và 14 mã giảm. Thị trường ghi nhận phiên sáng sôi động thứ hai liên tiếp khi khối lượng giao dịch tăng 16% về giá trị so với hôm qua với 3,16 nghìn tỷ đồng, tương đương 200,6 triệu đơn vị.
VN-Index đóng cửa ở 746,69 điểm, tăng 9,94 điểm (+1,35%)
Đến chiều, đà tăng của chỉ số chính được tiếp tục và gần như đi lên cho đến hết phiên. VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày với 746,69 điểm, tăng 9,94 điểm (+1,35%). Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số chính, tổng cộng 12,7% so với ngày 30/3.
Chốt phiên có 200 mã tăng và 153 mã giảm, trong đó có 30 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 10 mã giảm giá, trong đó chỉ có PLX giảm mạnh nhất 3,12%, còn lại đều trên dưới 1%.
Ngoài ra, rổ này có 4 mã đứng giá gồm EIB, SSI, TCB và VIC. Trong 17 mã tăng giá còn lại, hai mã tăng trần đều thuộc nhóm Vingroup là VHM và VRE.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính, mặc dù nhóm ngân hàng có duy nhất mã CTG giảm 1,24% và TCB đứng giá, nhưng các mã tăng giá còn lại đều không cao, đáng kể có VPB tăng 3,73%. Do đó, tổng ngành này đã góp vào đà tăng của VN-Index hôm nay khiêm tốn ở mức 1,14 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup góp 5,1 điểm cho VN-Index
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Vingroup với 2 mã tăng trần đã góp phần chính vào VN-Index với 5,1 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 12% về lượng và tăng nhẹ 3% về giá trị so với phiên trước, đạt 293 triệu đơn vị, tương ứng với 4,78 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,4 triệu đơn vị, giá trị 650 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (-6%) với gần 21,6 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là STB (+2,8%) với 17,3 triệu đơn vị và PVD (tăng trần) đạt 14,1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, mã MWG có 5,8 triệu đơn vị được giao dịch trong hôm nay. Đây là thanh khoản cao nhất từ khi công ty niêm yết cách đây 6 năm. Gần 18% trong số này được khớp lệnh tại giá trần 74.700 đồng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng, triển vọng dài hạn của MWG vẫn tích cực, nhưng ước tính lợi nhuận cho năm 2020 sẽ được điều chỉnh để phản ánh tác động của việc tạm ngừng hoạt động một số cửa hàng bán lẻ điện thoại và điện máy.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với 13,36 triệu đơn vị, tương đương 363,6 tỷ đồng, giảm 43 về lượng và tăng 46% về giá trị so với phiên trước.
Trong đó, TCB dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,5 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là ROS, POW, CTG, HPG.
Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là TCB với 2,7 triệu đơn vị. Theo sau là POW, E1VFVN30, VIC, VRE.
Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC về giá trị, đạt 204 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,1 triệu đơn vị. Trái lại, cổ phiếu VNM dẫn đầu danh mục được khối ngoại mua ròng mạnh về giá trị, đạt 28,86 tỷ đồng, tương đương 297,4 nghìn đơn vị. Đây cũng là mã duy nhất được mua ròng hơn chục tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, 5 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, CTI (CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO) tăng 10,3 lần; GDT (CTCP Chế biến gỗ Đức Thành) tăng 9,7 lần; LCM (CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai) tăng 6,5 lần; C47 (CTCP Xây dựng 47) tăng 5 lần; PVD (Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí) tăng 4,1 lần.
HNX – Phân hóa mạnh
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến khác với sàn HOSE, chỉ số HNX-Index sau khi đạt đỉnh 104 điểm từ đầu phiên thì đảo chiều đào sâu cùng biên độ dao động nhỏ dần và đóng cửa ở mức 103,43 điểm, tăng 0,17 điểm, tương đương 0,16%, với 68 mã tăng và 72 mã giảm.
SHB (+2,06%) và PVS (+4,43%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,2 điểm và 0,15 điểm ảnh hưởng.
Ở phía ngược lại, ACB (-1,46%) kìm hãm đà tăng chỉ số chính mạnh nhất với 0,23 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 6% về lượng và 7% về giá trị so với phiên trước, đạt 68,19 triệu đơn vị, tương ứng với 0,66 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, PVS (+4,4%) dẫn đầu sàn khi đạt 11,5 triệu đơn vị. KLF (đứng giá) theo sau với 6,1 triệu đơn vị, SHB (+2,1%) đạt 5,7 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng hôm nay với 127,1 nghìn đơn vị, tương đương 2,74 tỷ đồng, giảm 72% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,9% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 24 mã và mạnh nhất là TIG được mua ròng hơn 759 tỷ đồng, tương đương 138 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 31 mã và mạnh nhất là PVS đạt 174,2 nghìn đơn vị, tương ứng 2,03 tỷ đồng.
Mặc khác, PVS là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 156,8 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 303,9 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SDA (CTCP SIMCO Sông Đà) tăng 35,1 lần; PVI (CTCP PVI) tăng 6 lần; NRC (CTCP Bất động sản NETLAND) tăng 4,4 lần.
Bình luận chứng khoán ngày 7/4
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), về kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp. Khối lượng giao dịch suy giảm so với phiêu trước đó nhưng vẫn trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường.
Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa trên MA20, kèm theo RSI và MACD đang hướng lên tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang quay trở lại.
Tuy nhiên, PHS quan sát trên đồ thị nến đang hình thành nến Hanging man, cho tín hiệu cảnh báo đảo chiều đa tăng hiện tại. Do đó, không lại trừ chỉ số có thể sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh trở lại. Trong trường hợp đó, ngưỡng tâm lý 700 điểm có thể là ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số cũng có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp và duy trì đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh các đường MA100 và 200, kèm theo nến Doji xuất hiện, cho thấy chỉ số có thể sớm chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên tới. Vùng tâm lý 100 điểm có thể là hỗ trợ mạnh cho chỉ số.
Nhìn chung, thị trường đang trong xu hướng phục hồi ngắn hạn. Tuy nhiên, các cảnh báo về nến cho thấy thị trường có thể sớm có nhịp điều chỉnh trở lại. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Đồng thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia trở lại khi thị trường có sự điều chỉnh về các vùng hỗ trợ mạnh.
(Cafefin tổng hợp)