Sức ép gia tăng khi VN-Index tiến đến vùng cản mạnh 900 điểm, nhưng nhờ dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường nên sắc xanh được duy trì.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/9: DRC, TCT
Dư âm từ phiên tăng khá tích cực trước đó giúp VN-Index sớm bật tăng ở phiên này. Song, áp lực tại vùng giá cao khiến chỉ số cũng nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại. Dù vậy, điểm tích cực là dòng tiền lớn vẫn đều đặn chảy, tạo sự cân bằng trên thị trường.
Điều này được thể hiện rõ ràng hơn trong phiên giao dịch chiều khi VN-Index một lần nữa đuối sức trong nỗ lực áp sát vùng giá 900 điểm, chỉ nhờ vào dòng tiền lớn mà chỉ số không giảm điểm.
Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 15/9, với 209 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng 1,69 điểm (+0,19%) lên 896,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 381,17 triệu đơn vị, giá trị 6.706,91 tỷ đồng, tăng 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 14/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,9 triệu đơn vị, giá trị 1.179 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường giao dịch cân bằng, sức cầu mạnh mẽ hấp thụ tốt áp lực bán lớn tại vùng giá cao, thể hiện qua việc số mã tăng giảm khá tương đồng. Một trong những trụ cột của thị trường là nhóm bluechip phân hóa rõ nét ảnh hưởng tới động lực tăng của VN-Index.
Rổ VN30 có 13 mã tăng và 15 mã giảm, song mức độ tăng giảm cũng không quá lớn. Mã tăng tích cực nhất là STB với mức tăng 2,7% lên 11.600 đồng, tiếp đó là VIC +2% lên 95.000 đồng. Các mã POW, VRE, FPT, GAS tăng hơn 1%.
HDB và EIB là cùng giảm 1,2%, về tương ứng 29.900 đồng và 16.900 đồng, trong khi các mã giảm còn lại đều giảm dưới 1%.
Về thanh khoản, STB dẫn đầu rổ cũng như toàn thị trường khi khớp lệnh tới 24,12 triệu đơn vị, gấp nhiều lần so với các mã đứng kế là HPG và SSI với mức khớp 7-8 triệu đơn vị và đều tăng nhẹ 0,3-04%. Ở mức thanh khoản từ 4 triệu đơn vị trở xuống là VHM, ROS, MBB, VPB…
Dòng tiền phiên này tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, khi 20 mã có thành khoản tốt nhất sàn HOSE đều nằm trong nhóm này. Ngoài STB, thanh khoản mạnh còn có HQC với 17,8 triệu đơn vị, HSG là 16,7 triệu đơn vị.
Lực cầu tốt giúp đa phần các mã có thanh khoản tăng điểm. Một số mã giảm có thể kể tới là HAG, PVD, HBC, DPM, SJF…
Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE, nhưng với mức độ rung lắc mạnh hơn, thậm chí có những thời điểm đã lùi qua tham chiếu, trước khi hồi trở lại nhờ sức cầu tốt.
Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 15/9, với 97 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,39%) lên 127,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,91 triệu đơn vị, giá trị 702,84 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 14/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị trên 100 tỷ đồng.
Nhiều mã bluechips trên sàn này có được mức tăng mạnh. Đơn cử, SHS +4,3% lên 12.000 đồng, TNG +4,7% lên 13.400 đồng, HUT +4% lên 12.000 đồng…
Các mã vốn hóa lớn ACB, PVS, NDN, DDG… cũng tăng điểm, góp phần đáng kể vào việc duy trì sắc xanh của HNX-Index.
SHS dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 6,7 triệu đơn vị. Tiếp theo là ACB với 4,63 triệu đơn vị, tăng 0,5% lên 21.300 đồng. PVS khớp 2,26 triệu đơn vị, tăng 0,8% lên 12.500 đồng.
Các mã DST, BII tăng trần lên 5.200 đồng (+8,3%)và 1.400 đồng (+7,7%), thanh khoản mạnh với lượng khớp tương ứng 3,16 triệu và 2,24 triệu đơn vị.
NVB phiên này giảm 2,3% về 8.500 đồng, khớp lệnh 2,86 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sắc xanh được duy trì vững trong suốt phiên giao dịch nhờ sức cầu ổn định, thanh khoản ghi nhận sự cải thiện.
Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 15/9, với 103 mã tăng và 101 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,25%) lên 59,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,38 triệu đơn vị, giá trị 423,87 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng, nhưng tăng 9% về giá trị so với phiên 14/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,32 triệu đơn vị, giá trị gần 150 tỷ đồng, trong đó đáng kể là 3,8 triệu cổ phiếu LPB, trị giá 38 tỷ đồng.
Ngoài được thỏa thuận mạnh, LBP cũng là mã hút tiền mạnh nhất qua giao dịch khớp lệnh với 6,3 triệu đơn vị, dẫn đầu UPCoM cũng như vượt trội so với 3 mã thanh khoản cao còn lại là VIB, PFL và BSR với lượng khớp từ 1-7-19 triệu đơn vị.
VIB tăng 4% lên 23.500 đồng, trong khi BSR đứng giá 6.800 đồng, còn PFL giảm sát mức sàn 9,3% về 1.900 đồng. Phiên giảm này cũng chấm dứt chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp của PFL.
Trên thị trường phái sinh, chỉ hợp đồng VN30F2103 là tăng điểm, 3 hợp đồng tương lai còn lại đều giảm. Trong đó, hợp đồng VN30F2009 giảm 0,12% lên 833 điểm, khớp lệnh cao nhất, đạt hơn 74.780 đơn vị, khối lượng mở 31.923 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế với 25 mã giảm, 16 mã tăng và 2 mã đứng giá. Trong đó, CSTB2004 là mã giao dịch sôi động nhất với 868.110 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 22,32% lên 1.370 đồng/CQ.
(Theo ĐTCK)