Chứng khoán ngày 18/5: Nhóm ngân hàng giúp VN-Index tiến sát ngưỡng 840 điểm

Nhóm ngân hàng cùng GAS, HPG và MWG đã trở thành động lực chính giúp VN-Index hôm nay tiến sát ngưỡng kháng cự mới 840 điểm.

>> Top 10 cổ phiếu tăng, giảm giá mạnh nhất tuần 11-15/5

Chứng khoán ngày 18/5: Nhóm ngân hàng giúp VN-Index tiến sát ngưỡng 840 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 18/5/2020.

HOSE – HPG tăng trần

Mở cửa phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index lùi về vùng 723 điểm, thấp hơn 4 điểm (-0,47%) so với tham chiếu, tạo đáy thấp nhất trong ngày vào lúc 9h30. Phần lớn nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành gánh nặng lớn của chỉ số chính.

Tuy nhiên, nhờ dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, VN-Index tăng trở lại và tạm dừng phiên sáng tại 830,9 điểm, tăng 3,87 điểm (+0,47%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm 10% so với sáng ngày 15/5, đạt 2,47 nghìn tỷ đồng, tương đương 149,93 triệu đơn vị.

Đến chiều, tâm lý hứng khởi lan rộng, chỉ số chính tiếp tục đi lên và đạt đỉnh cao nhất trong ngày tại vùng 837 điểm, tăng 10 điểm so với tham chiếu vào lúc 13h30. Do tăng trưởng nóng nên VN-Index không tránh khỏi việc điều chỉnh. Tuy nhiên, trong đợt ATC, chỉ số VN-Index tăng trở lại và đóng cửa tại sát đỉnh ngày 837,01 điểm, tăng 9,98 điểm (+1,21%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 206 mã tăng và 156 mã giảm giá, trong đó, 25 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 24 mã tăng giá, trong đó HPG tăng trần. Ngoài ra, năm cổ phiếu khác tăng trên 3% gồm VCB, GAS, HPG, VPB, MWG. Ở phía ngược lại, năm mã giảm giá đều trên dưới 1%.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều tăng giá riêng TPB và STB giảm nhẹ. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index với 5 điểm ảnh hưởng.

Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB, HPG và MWG là ba mã đẩy mạnh nhất chỉ số chính với 3 điểm ảnh hưởng.

Thông tin từ phiên họp với nhà đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát vào chiều ngày 15/5 đã đem làm sắc thái tích cực cho cổ phiếu HPG hôm nay, trước thềm ĐHCĐ 2020 diễn ra vào tháng 6 tới.

Cụ thể, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay khoảng 9.000-10.000 tỷ đồng với doanh thu 85.000-90.000 tỷ, tăng hơn 26% so với năm 2019, và dự kiến mức chia cổ tức năm trước với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt

Người đứng đầu Hòa Phát cũng dự báo, sau khi 4 lò cao đi vào hoạt động, Hòa Phát dự kiến sản xuất 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn) để trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam vào năm 2021.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 15% cả về lượng và giá trị so với phiên trước, đạt 254 triệu đơn vị, tương đương 4,44 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,8 triệu đơn vị, tương đương 595 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HPG với 13,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HSG (tăng trần) với 12 triệu đơn vị và VPB (+5,2%) đạt 11,7 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng trở lại sau 4 phiên mua ròng liên tiếp với 89,61 tỷ đồng, tương đương 5,75 triệu đơn vị. Trong khi đó, phiên trước khối này mua ròng 104,88 tỷ đồng.   

Trong đó, VPB dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 61,26 tỷ đồng, tương đương 2,49 triệu đơn vị. VCB theo sau được mua ròng 40,85 tỷ đồng; PLX với 11 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VHM với 37,52 tỷ đồng, tương đương 524,2 nghìn đơn vị. Tiếp đến, BID bị bán ròng 26,7 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất mã YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1; đóng cửa giá trần) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

HNX – SHB đè nặng chỉ số chính

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, do áp lực xả hàng lớn nên chỉ số HNX-Index giảm mạnh 2 điểm ngay đầu phiên xuống vùng 106 điểm. Tuy nhiên, gần cuối phiên chiều, áp lực bán hạ nhiệt và dòng tiền nhập cuộc mạnh, chỉ số này tăng vọt và đóng cửa ở 108,54 điểm, giảm 0,49 điểm (-0,45%), với 84 mã tăng giá và 59 mã giảm giá.

SHB (-3,87%) là mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số chính với 0,44 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 23% về lượng và 22% về giá trị so với phiên trước, đạt 56,2 triệu đơn vị, tương đương 492,3 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, SHB (-3,9%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,4 triệu đơn vị. HUT (đứng giá) theo sau với 5,7 triệu đơn vị, PVS (+1,6%) đạt 4,5 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 6,43 tỷ đồng, tương đương 746,9 nghìn đơn vị, giảm 50% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 25 mã và mạnh nhất là TIG được mua ròng 479 triệu đồng, tương đương 76 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 25 mã và dẫn đầu là SHB đạt 4,08 tỷ đồng, tương đương 286,3 nghìn đơn vị.    

Trên sàn Hà Nội hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, VIG (CTCP Chứng khoán thương mại và công nghiệp VN; đóng cửa giá trần) tăng 14,3 lần; TTH (CTCP Thương mại và dịch vụ Tiến Thành) tăng 8,3 lần; SPI (CTCP SPI) tăng 7 lần.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục khá mạnh trong phiên đầu tuần nhưng vẫn chưa vượt qua được ngưỡng kháng cự 840 điểm (fibonacci retracement 50%), đồng thời thanh khoản có sự suy giảm và hiện thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy đây nhiều khả năng chỉ là một phiên hồi kỹ thuật sau ba phiên liên tiếp điều chỉnh trước đó. Khối ngoại quay trở lại bán ròng với khoảng 95 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm tiêu cực cần lưu ý.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 19/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nên quan sát thị trường trong phiên tới, nhất là phản ứng của VN-Index tại ngưỡng kháng cự 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Nếu thị trường bứt phá được ngưỡng này với thanh khoản tốt, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với target tiếp theo là ngưỡng 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%). Nếu chỉ số tiếp tục giằng co với động lực yếu thì chiến lược bán giảm tỷ trọng cổ phiếu nên được ưu tiên hơn.

Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 840-845 điểm trong phiên kế tiếp. Đây vẫn là vùng cản đáng chú ý đối với chỉ số nên BVSC lưu ý khả năng rung lắc mạnh của thị trường khi tiếp cận vùng kháng cự này. Nếu chinh phục thành công vùng cản này, thị trường có cơ hội bước vào nhịp tăng điểm mới để hướng đến vùng kháng cự quan trọng 860-880 điểm trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền vẫn sẽ có xu hướng tập trung ở các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí và nhóm hưởng lợi từ EVFTA (dệt may, thủy sản…).

Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư nên duy trì nắm giữ các vị thế trong danh mục và có thể xem xét mở các vị thế mua trading trở lại nếu chỉ số vượt thành công kháng cự 940-945 điểm.

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/5: VNM, HPG, KBC, FPT

T2 Th5 18 , 2020
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/5 của các công ty chứng khoán.
Copyright All right reserved

Chuyên mục