Chứng khoán ngày 25/5: VNM hỗ trợ, VN-Index vẫn hụt mốc 860 điểm

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ ‘ông lớn’ VNM và thanh khoản tăng 11% nhưng tiếc rằng VN-Index vẫn hụt mốc 860 điểm vào phút cuối.

>> Top 10 cổ phiếu tăng, giảm giá mạnh nhất tuần 18-22/5

Chứng khoán ngày 25/5: VNM hỗ trợ, VN-Index vẫn hụt mốc 860 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 25/5/2020.

HOSE – Phân hóa lớn

Do áp lực xả hàng tới sớm, chỉ số VN-Index tạo đáy ngày tại vùng 849 điểm chỉ sau 40 phút đầu giao dịch, thấp hơn 3 điểm so với tham chiếu. Kèm theo đó, thị trường phân hóa mạnh và thiếu cổ phiếu lớn dẫn dắt.

Sau đó, nhờ dòng tiền bắt đáy chảy mạnh, VN-Index đảo chiều và liên tục đi lên cho đến khi tạm dừng phiên sáng tại 857,99 điểm, tăng 5,25 điểm (+0,62%) so với tham chiếu. Thanh khoản tăng 6% so với sáng ngày 22/5, đạt 3 nghìn tỷ đồng, tương đương 165 triệu đơn vị.

Đến chiều, chỉ số chính đạt đỉnh ngày tại 860 điểm, cao hơn 8 điểm so với tham chiếu vào 13h15. Áp lực xả hàng lần nữa gia tăng tại ngưỡng tâm lý này khiến VN-Index điều chỉnh và đóng cửa tại 859,04 điểm, tăng 6,3 điểm (+0,74%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 218 mã tăng và 145 mã giảm giá, trong đó, 26 mã tăng trần và 8 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 17 mã tăng giá, trong đó duy nhất VNM tăng trên 2%. Còn 8 mã giảm giá đều trên dưới 1%.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, VNM và GVR là hai mã góp phần đáng kể vào đà tăng của chỉ số chính với 2,3 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số đều xanh nhạt. Do đó, ngành này đã góp phần nhẹ vào đà tăng của VN-Index với 0,8 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM và VRE đều tăng giá, nên đã góp phần đẩy VN-Index lên 1,2 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 1% về lượng và 11% về giá trị so với phiên trước, đạt 307 triệu đơn vị, tương đương 5,87 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,6 triệu đơn vị, tương đương 1,4 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã ITA (tăng trần) với 14,1 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HPG (+0,2%) với 11,2 triệu đơn vị và STB (+0,5%) đạt 9,45 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng trở lại với 78,99 tỷ đồng, tương đương 7,59 triệu đơn vị. Trong khi đó, hôm qua khối này mua ròng 23,75 tỷ đồng.

Trong đó, VNM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 87,39 tỷ đồng, tương đương 751,4 nghìn đơn vị. PHR theo sau được mua ròng 22,18 tỷ đồng; VHM với 19,4 tỷ đồng; VCB với 14,3 tỷ đồng. Các mã còn lại chỉ được mua ròng trên dưới 5 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là HPG với 99,15 tỷ đồng, tương đương 3,61 triệu đơn vị. Tiếp đến, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị bán ròng 36,3 tỷ đồng; MSN với 25,89 tỷ đồng; CII với 11,86 tỷ đồng; GAS với 10,39 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, TEG (CTCP Bất động sản và xây dựng Trường Thành) tăng 5,8 lần; TIP (CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa; đóng cửa giá trần) tăng 4,4 lần; HCD (CTCP Đầu tư sản xuất và thương mại HCD; giá trần) tăng 4,3 lần; SZC (CTCP Sonadezi châu Đức; giá trần) tăng 4,1 lần.

HNX – SHB tiếp tục dẫn dắt

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index duy trì đà tăng cho đến khi đóng cửa tại 109,15 điểm, tăng 2,1 điểm (+1,97%), với 96 mã tăng giá và 62 mã giảm giá.

SHB (tăng trần) là mã góp phần chính vào đà tăng của chỉ số chính với 0,7 điểm ảnh hưởng.

Tiếp đến, ACB (+0,89%) và VIF (+4,22%) đóng góp vào đà tăng HNX-Index 0,3 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 31% về lượng và 24% về giá trị so với phiên trước, đạt 48,98 triệu đơn vị, tương đương 579,2 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, SHB (tăng trần) dẫn đầu sàn khi đạt 8,9 triệu đơn vị. PVS (+1,6%) theo sau với 4,8 triệu đơn vị, ACB (+0,9%) đạt 3,5 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 27,32 tỷ đồng, tương đương 2,04 triệu đơn vị, giảm 14% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 24 mã và mạnh nhất là PVS được mua ròng 3,25 tỷ đồng, tương đương 258 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và dẫn đầu là SHB đạt 28,32 tỷ đồng, tương đương 2 triệu đơn vị.    

Trên sàn Hà Nội hôm nay, duy nhất mã TTZ (CTCP Đầu tư xây dựng và công nghệ Tiến Trung) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trong phiên đầu tuần với thanh khoản khớp lệnh trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn vào thị trường tương đối tốt trong giai đoạn này.

Trên góc độ kỹ thuật, dự địa cho nhịp tăng của thị trường là vẫn còn với target đợt này của VN-Index là quanh ngưỡng 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%); tuy nhiên, VN30 đã khá gần target của nhịp hồi phục là ngưỡng 815 điểm (fibonacci retracement 61,8%) nên những rung lắc có thể bắt đầu diễn ra trên nhóm cổ phiếu trụ cột trong các phiên tới. Khối ngoại bán ròng trong phiên hôm nay với khoảng 105 tỷ đồng trên hai sàn là điểm nhấn tiêu cực.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 26/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%) và 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Nhà đầu tư đang đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tiếp tục theo dõi thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo và có thể chốt lời khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm.

Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tiến vào vùng kháng cự 860-880 điểm trong những phiên tới. Diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market. Dòng tiền sẽ luân chuyển để tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm cổ phiếu như BĐS khu công nghiệp, phân bón, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng.

Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục mức 40-50% cổ phiếu. Xem xét bán giảm dần tỷ trọng danh mục về mức 20-30% khi thị trường tiến vào vùng kháng cự 860-880. Thêm nữa nhà đầu tư nên duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu. Việc bán các vị thế ngắn hạn trong danh mục có thể thực hiện tại các phiên tăng điểm hưng phấn của thị trường tại vùng kháng cự 860-880 điểm.

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/5: TCB, KBC, PNJ

T2 Th5 25 , 2020
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/5 của các công ty chứng khoán như Bảo Việt (BVSC), MBS, BSC.
Copyright All right reserved

Chuyên mục