Thời điểm hiện tại, phân bổ tài sản theo hướng ưu tiên vào kênh đầu tư cổ phiếu vẫn có thể được duy trì trên thị trường Việt Nam.
>> Cổ phiếu lớn: Cuộc thanh lọc khắc nghiệt
Chứng khoán toàn cầu vẫn trong xu thế tăng
Không thể phủ nhận, trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, bất chấp những tín hiệu kinh tế đặc biệt yếu kém khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chứng khoán vẫn là tài sản được ưa chuộng. Điều này đơn giản là bởi chính sách tiền tệ nới lỏng vô tiền khoáng hậu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kể từ những năm 1980 đến nay, tính cả sự kiện Covid-19, thế giới trải qua ba sự kiện giảm phát (deflation event) lớn, đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997-1998, khủng hoảng thị trường nhà đất 2007 – 2008 và sự kiện Covid-19 lần này.
Điểm chung của ba sự kiện trên là đều khiến thị trường chứng khoán tạo giảm mạnh (năm 2000, 2007 và 2020), khiến giá hàng hóa giảm mạnh (tạo đáy mới vào 2003 và 2020, giảm mạnh vào năm 2008) và đặc biệt đều làm cho lãi suất giảm mạnh.
Có một xu hướng rõ ràng đã được duy trì từ năm 1980, đó là giá cổ phiếu trong xu hướng tăng, trong khi đó lợi suất trái phiếu trong xu hướng giảm, đặc biệt là giảm mạnh sau mỗi sự kiện giảm phát. Hiện tại, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã về cận kề mức 0.
Có thể trong những đoạn ngắn, lợi suất trái phiếu và giá cổ phiếu có thể thay đổi mối quan hệ, tuy nhiên trong cả chặng dài, mối quan hệ trên vẫn được duy trì.
Không biết với nền lãi suất thấp như vậy, nền kinh tế có phục hồi trở lại tương tự như sau 1997 – 1998 và 2007 – 2008 hay không, nhưng ít nhất điều này có lợi trước mắt cho chứng khoán Mỹ.
Hàng hóa có thể là tài sản tích cực tiếp theo nếu như nhìn vào các sự kiện trước đó, tất nhiên chỉ khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Trong các hàng hóa, vàng đã phục hồi mạnh nhất, phá vỡ xu hướng giảm dài hạn.
Tóm lại, trong các tài sản quan trọng là trái phiếu, chứng khoán, hàng hóa và USD, hiện tại, khả năng tích cực của cổ phiếu và hàng hóa theo thứ tự được đánh giá cao hơn.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến trường hợp thế giới chìm sâu trong giảm phát dài hạn sau Covid-19, khi đó các chính sách nới lỏng tiền tệ không có nhiều tác dụng, đương nhiên khi đó giá cổ phiếu và hàng hóa sẽ không tránh khỏi sự đổ vỡ.
Đó chính xác là những gì đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Nhật Bản trong vòng hơn một thập kỷ, kể từ năm 1990. Tuy nhiên, đó là một chủ đề rộng và sẽ chưa được đào sâu ở đây.
Thị trường Việt Nam: Ưu tiên cổ phiếu vì ít lựa chọn thay thế
Phân tích sự phân bổ tài sản trên phạm vi toàn cầu giúp tạo nền tảng, đặt sự phân bổ tài sản ở Việt Nam vào trong bức tranh chung đó. Cùng điểm qua các lựa chọn đầu tư hiện tại của nhà đầu tư Việt Nam.
Với trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm, lãi suất thấp điều hành giảm trong xu hướng lãi suất thấp toàn cầu. Dư địa tăng cho giá trái phiếu không còn nhiều vì lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đã khá thấp.
Với tài sản hàng hóa, giá cả hàng hóa khả năng phục hồi nếu nền kinh tế thế giới trở lại sau Covid-19, tương tự như sự kiện 1997-1998 và 2007-2008. Giá vàng triển vọng tích cực, tỷ số Gold/Dow phá vỡ xu hướng tăng dài hạn. Vàng tăng mạnh vì đóng vai trò kép, vừa là hàng hóa quan trọng, vừa là loại tiền tệ thay thế. Hơn nữa là tài sản phòng ngừa rủi ro.
Với kênh đầu tư ngoại tệ, lãi suất gửi tiết kiệm USD hiện là 0%/năm. Mức độ trượt giá VND so với USD dự kiến không cao do USD thường yếu sau các sự kiện giảm phát.
Trong khi đó, với kênh đầu tư cổ phiếu, các thị trường lớn trên thế giới vẫn trong diễn biến tích cực. Thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn trong sự tích cực của xu hướng giảm dài hạn trong lợi suất trái phiếu. Vẫn còn đó sự không chắc chắn bởi dịch bệnh, nhưng góc nhìn liên thị trường vẫn là tích cực.
Tất nhiên, vẫn còn những kênh đầu tư khác ở Việt Nam nhưng khó đưa vào so sánh như bất động sản hay tiền kỹ thuật số. Bất động sản thì cần số vốn nhất định và tùy từng vị trí, từng phân khúc và không phải kênh đầu tư tài chính. Tiền kỹ thuật số thì hiện tại vẫn chưa hợp pháp, rủi ro cao và ít nhà đầu tư biết đến. Với bốn loại tài sản kể trên, có lẽ cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư có thể ưu tiên phân bổ nhất trong những năm đầu thập kỷ này.
Cổ phiếu vẫn đang được hưởng lợi trong mối quan hệ giữa trái phiếu – cổ phiếu. Cùng với đó như đã phân tích ở trên, có vẻ như ở thời điểm hiện tại, các kênh đầu tư phổ biến khác đều có tỷ suất sinh lợi không còn tốt như trước, khiến cho cổ phiếu có thể là sự lựa chọn thay thế.
Lạm phát vừa phải, lợi thế khi bắt đầu thập kỷ mới
Trong 10 năm qua, thị trường cổ phiếu đã diễn biến không tệ khi chỉ số VN-Index trong thập kỷ này đã tăng gần gấp đôi từ mức 495 điểm cuối năm 2009 lên mốc 961 điểm khi thập kỷ chính thức khép lại.
Tuy nhiên, nếu nhìn trong mối quan hệ so sánh giữa các tài sản đầu tư quen thuộc kênh gửi tiết kiệm và trái phiếu doanh nghiệp, hiệu quả của kênh đầu tư cổ phiếu là kém hơn rất nhiều.
Lý do đơn giản là bởi, những năm đầu tiên của thập kỷ, lạm phát ở mức quá cao, điều này khiến cho mặt bằng lãi suất bắt buộc bị đẩy lên cao, lãi suất tiết kiệm và lãi suất trái phiếu cao là hệ quả đương nhiên.
Lãi suất cao khiến chỉ cần gửi tiết kiệm thôi đã rất hiệu quả, nhất là những năm đầu thập kỷ 2010. Trong thời gian lạm phát cao, hiệu quả trên thị trường cổ phiếu cũng rất kém.
Bước vào thập kỷ mới 2020, như đã đề cập ở trên, thị trường hàng hóa đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, đó là một trong những điều thuận lợi. Điều này giúp lạm phát trong vòng 5 năm trở lại đây ở Việt Nam luôn ở mức thấp và trong khoảng thời gian đó, chứng khoán tỏ ra hiệu quả hơn so với các kênh đầu tư vừa nêu.
Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đã trải qua những giai đoạn thuận lợi trong thời kỳ lạm phát vừa phải. Lãi suất có thể duy trì ở mức thấp khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn tương đối so với các kênh đầu tư theo thu nhập cố định.
Gần đây, trong một bài viết giữ tháng 6/2020 có tựa đề “Thị trường điên rồ trong đại dịch” trên tờ NewYork Times, nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Krugman đã phải thốt lên tương đối nặng lời: “Tại sao các nhà đầu tư đổ xô đi mua những thứ rác rưởi”. Thứ rác rưởi mà Ông đang nói đó là cổ phiếu.
“Thị trường chứng khoán không bao giờ có nhiều mối quan hệ với nền kinh tế thực, nhưng những ngày này, thị trường không có liên quan gì đến thực tế nói chung” Paul Krugman viết tiếp. Có lẽ những ai theo dõi tình trạng và tác động của đại dịch Covid-19 đều có thể nhận ra như vậy.
Nếu đứng trên góc nhìn liên thị trường, cũng không có gì là bất ngờ. Dòng tiền luân chuyển giữa các tài sản trong tập hợp các tài sản đầu tư chính bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa và tiền tệ.
Dưới góc nhìn này, nhiệm vụ của mỗi nhà đầu tư ở mỗi thị trường là theo dõi sự dịch chuyển dòng tiền giữa các loại tài sản hơn là cố dự báo nền kinh tế.
Sẽ còn rất nhiều điều khó lường trong ngắn hạn, bởi Covid-19 không phải là một sự kiện kinh tế đơn thuần, nó đã làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống và biết đâu các mối quan hệ liên thị trường trước đây.
Về mặt chiến thuật, thị trường cổ phiếu vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, tuy nhiên về chiến lược phân bổ, vẫn ủng hộ việc có thể ưu tiên cho cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.
(Theo ĐTCK)