Giá vàng ngày 26/3: Áp lực từ sự phục hồi của chứng khoán

>> Giá vàng ngày 25/3: Nhắm mốc 2.500 USD, thời của vàng đã tới?

Giá vàng ngày 26/3

Giá vàng ngày 26/3: Thế giới

Giá vàng ngày 26/3 trên thị trường thế giới rung lắc mạnh và đang có xu hướng đi ngang sau khi tăng vọt trong 2 ngày đầu tuần. Tuy nhiên, mở cửa phiên châu Á sáng nay, giá vàng vẫn đang ở trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.600 USD/ounce.

Thị trường kim loại quý đang chịu áp lực lớn từ sự hồi phục mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong 2 phiên qua. “Một kịch bản như vậy sẽ khiến khó đưa ra một dự báo về việc tăng hay giảm giá vàng trong ngắn hạn”, theo chuyên gia phân tích của Kitco, Jim Kyckoff.

Trường hợp giảm giá vàng xảy ra khi mức độ chấp nhận rủi ro của giới đầu tư gia tăng, lúc đó sẽ kéo tiền ra khỏi ‘nơi trú ẩn’- vàng. Còn trường hợp tăng xảy ra khi nỗi sợ hãi ít hơn từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán, từ đó, kêu gọi thêm nhiều dòng tiền mới vào thị trường – những nhà đầu tư mới chưa thực sự sẵn sàng gia nhập dù họ muốn.

Những nhà đầu tư mới này lo ngại rằng, ngay cả khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại thì vẫn có những ‘cơn gió lớn’ đang chờ đợi nền kinh tế toàn cầu. Do đó, ông Jim Kyckoff dự báo thị trường kim loại quý sẽ biến động mạnh hằng ngày trong những phiên giao dịch tới.

Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 4 đã giảm 26 USD/ounce xuống mức 1.635 USD.

Chênh lệch lớn giữa giá vàng tương lai và giá vàng giao ngay

Thêm nũa, các nhà giao dịch vàng vẫn đang ‘bối rối’ về tình trạng chênh lệch giá lớn giữa thị trường vàng tương lai và giao ngay. Cụ thể, giá vàng giao ngay tại Anh đã giảm xuống rất xa so với giá vàng tương lai của Mỹ khi thị trường tỏ ra lo lắng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến đường hàng không bị hạn chế và một số nhà máy luyện kim loại quý đóng cửa, cản trở việc vận chuyển vàng đến Mỹ để đáp ứng các yêu cầu hợp đồng.

Tuyên bố kích thích kinh tế không giới hạn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thứ Hai đã khiến giá vàng tăng vọt, nhưng thị trường giao ngay tại London đã bắt đầu tụt lại so với giá trên sàn giao dịch Comex ở New York.

Chênh lệch giá giao dịch tại hai thị trường này thường chỉ là một vài USD. Tuy nhiên, vào thứ ba, sự chênh lệch là gần 100 USD.

London là một trong những trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới. tuy nhiên, việc giao dịch đã trở nên khó khăn hơn khi các chính phủ hạn chế vận chuyển hàng hóa.

3 nhà máy vàng lớn nhất thế giới tạm đóng cửa

Trong lúc đó, 3 nhà máy vàng lớn nhất thế giới bao gồm Valcambi, Argor-Heraeus và PAMP đã tạm ngưng sản xuất tại Thụy Sỹ trong vòng ít nhất 1 tuần bởi yêu cầu bắt buộc từ phía nhà chức trách nhằm ngăn sự lây lan của bệnh dịch Covid-19 tại nước này. Các nhà máy này chiếm 1/3 tổng nguồn cung của cả thế giới. Việc này sẽ thắt chặt nguồn cung vàng vật chất.

Về mặt kỹ thuật, mục tiêu đột phá ngắn hạn tiếp theo của ‘con bò vàng’ là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc – mức cao nhất trong tháng 3 – 1.704,3 USD/ounce. Trong khi đó, mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo của “chú gấu vàng” là đẩy giá xuống dưới ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.560,5 USD/ounce.

Mặt khác, giá vàng cũng không nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các thị trường bên ngoài khác như giá dầu thô tăng khiêm tốn và giao dịch quanh mức 24,5 USD/thùng; chỉ số đồng USD đang giảm mạnh trở lại tuy nhiên vẫn giữ vững ngưỡng hỗ trợ 101 điểm, mức cao nhất trong 3 năm.

Mặc dù đánh giá cao sự phục hồi ấn tượng của giá vàng vào thứ ba khi tiệm cận gần mốc 1.700 USD/ounce do nhu cầu tăng và sự phục hồi của thị trường chứng khoán, nhưng công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics vẫn đưa ra cảnh báo về rủi ro giảm giá đáng kể đối với giá vàng.

Chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, Alexander Kozul-Wright lo lắng rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể dẫn đến một giai đoạn giảm phát và gây ra mối đe dọa lớn hơn cho thị trường vàng.

Sau khi bị cuốn vào các đợt bán tháo cổ phiếu lớn trong gần hết tháng 3, giá vàng hiện đang tăng mạnh. Áp lực bán vàng dường như đang nhường chỗ cho việc mua tài sản trú ẩn an toàn sau sự can thiệp chưa từng có của Fed. Ngân hàng này đã bơm đủ thanh khoản để chống lại sự mất giá hơn nữa của cổ phiếu. Tuy nhiên, ‘Chúng tôi hy vọng giá vàng sẽ đi ngang’, theo Kozul-Wright.

Mối đe dọa từ giảm phát

Gần đây, khi đợt bán tháo vàng để bù lỗ ở các thị trường khác đã kết thúc, một mối đe dọa mới đang hình thành trong tương lai – một thời kỳ giảm phát tiềm tàng.

Loại phí bù đắp lạm phát 2 năm trên thị trường trái phiếu Mỹ gần đây đang rơi vào ‘vùng âm’, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo ngại về giảm phát.

Rủi ro này chưa thực sự rõ nét, theo Capital Economics, nhưng điều này có thể dẫn đến nhu cầu vàng thấp hơn trong tương lai, do làm giảm giá trị thực các loại tài sản như vàng. Ngược lại, các tài sản an toàn khác với các khoản thanh toán danh nghĩa cố định như trái phiếu kho bạc Mỹ có thể trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, công ty này đưa ra dự báo giá vàng đi ngang trong cả năm 2020 và ở mức 1.600 USD/ounce vào cuối năm. 

Còn theo báo cáo mới nhất của Commerzbank, vàng sẽ có lợi khi các chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế để chống lại những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, ngân hàng này cảnh báo rằng nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới – Ấn Độ – có thể sụt giảm trong vài tuần tới do các biện pháp an toàn được đặt ra ở đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Ngành công nghiệp trang sức vàng Ấn Độ sẽ giảm nhu cầu 30% so với cùng kỳ năm trước, tức là xuống mức thấp nhất 25 năm”, Commerzbank cho nhận định.

Giá vàng ngày 26/3: Trong nước

Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng 26/3, giá vàng miếng được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50 nghìn đồng ở cả 2 chiều so với cuối phiên hôm qua.

Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,10 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước.

(Theo Kitco)

Next Post

Covid-19 ngày 26/03: Hà Nội công bố "ổ dịch" mới - Bệnh viện Bạch Mai

T5 Th3 26 , 2020
Covid-19 ngày 26/03, số ca nhiễm tăng lên 148, Bộ Y tế khuyến cáo ‘không ra đường’. Hà Nội xét nghiệm 4.000 người ở "ổ dịch" mới - Bệnh viện Bạch Mai.
Copyright All right reserved

Chuyên mục