7 bài học về tài chính cá nhân từ Benjamin Franklin

Những lời khuyên về tài chính của Benjamin Franklin từ thế kỉ 18 cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

>> 6 nhận định đáng chú ý của ‘bậc thầy đầu tư’ Warren Buffett giữa đại dịch Covid-19

7 bài học về tài chính cá nhân từ Benjamin Franklin
Benjamin Franklin là một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, một xu tiết kiệm cũng như một xu làm ra

Đây là một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất của nhà lập quốc, và cũng là một châm ngôn có sức sống bền bỉ với thời gian. Thông điệp được ông gửi gắm tương đối rõ ràng: tiết kiệm là nền tảng vững chắc nhất để có một cuộc sống ổn định về tài chính cũng như làm giàu cho bản thân và gia đình.

Benjamin Franklin chính là minh chứng sống cho câu nói này – nhờ đức tính tiết kiệm mà ông đã có được một khoản tiền đủ để về hưu sớm và tận hưởng đời sống tương đối an nhàn lúc về già.

Thứ hai, hạn chế tiêu pha và không vung tay quá trán mỗi lần rút ví, bạn hoàn toàn có khả năng cắt giảm một nửa chi tiêu của mình

Lời khuyên này đi song hành với bài học số 1. Nếu như tiết kiệm là một quá trình hết sức quan trọng, thì mỗi người cũng cần học cách để tiết kiệm sao cho hiệu quả.

Câu nói này được trích từ tác phẩm “Làm thế nào để bạn tiết kiệm được 100,000 Bảng” (Plan For Saving One Hundred Thousand Pounds).

Cũng trong cuốn sách này, Benjamin Franklin đưa ra gợi ý: mỗi người hãy tách đôi ngân sách chi tiêu mỗi tháng của mình – một nửa dành cho những nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm; nửa còn lại dùng để chi cho những thú vui “xa xỉ” hơn một chút như du lịch, thời trang, v.v…

Tiếp theo, bằng cách tái sử dụng đồ cũ, hay hạn chế dần các khoản chi dành cho vui chơi giải trí, bạn sẽ dần dần học được cách sử dụng đồng tiền của mình một cách hợp lý nhất.

Thứ ba, thà nhịn đói đi ngủ còn hơn phải thức dậy trong nợ nần

Đây là lời cảnh báo dành cho những người có thói quen tiêu xài hoang phí, “chỉ biết đến hôm nay mà không biết có ngày mai”, cũng là một bài học đặc biệt có giá trị trong thời buổi hiện nay, khi mà việc tiêu những đồng tiền không phải của mình, sống một cuộc sống xa hoa ngoài khả năng và thu nhập trở nên ngày một dễ dàng hơn với sự xuất hiện của thẻ tín dụng và một số sản phẩm tài chính khác.

Những khoản nợ lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bạn, bởi vậy hãy chấn chỉnh ngay lối sống và cân đối chi tiêu khi còn chưa muộn.

Chúng ta đều biết vay nợ là một trải nghiệm không mấy dễ chịu với bất kì ai. Benjamin đưa ra phép so sánh – một khi bạn đã lún quá sâu vào “vũng lầy” nợ nần, vô hình chung bạn đã tự trói chân mình, và cuộc sống của bạn từ đó sẽ chỉ xoay quanh câu hỏi “Làm thế nào để trả hết nợ?” Một cuộc sống như vậy hẳn sẽ có vô vàn áp lực và thực sự không dễ dàng để vượt qua.

Thứ tư, nếu bạn cứ nghĩ rằng tiền là tất cả, một ngày nào đó bạn sẽ làm tất cả vì tiền

Benjamin Franklin khuyến cáo mọi người về ma lực của đồng tiền và những hậu quả khôn lường nếu bạn để nó chi phối bản thân mình. Có lẽ không ai là không muốn có một cuộc sống ổn định về mặt tài chính cũng như có mức thu nhập cao, đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu và cả những sở thích cá nhân. Hầu hết mọi người đều tin rằng tiền là câu trả lời cho tất cả – có nhiều tiền họ sẽ hạnh phúc hơn.

Điều này không hoàn toàn sai, nhưng hãy nhớ rằng lòng tham có thể làm mờ mắt con người. Có những người sẵn sàng dấn thân vào những phi vụ làm ăn mạo hiểm, và cũng không ít người rơi vào tình cảnh vay nợ hoặc phá sản. Tiền là công cụ đắc lực phục vụ cho cuộc sống của bạn, nhưng đừng bao giờ trở thành nô lệ cho đồng tiền.

Thứ năm, cứ mua sắm phung phí đi, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ phải bán đi những món đồ thiết yếu!

Bởi chúng ta đang sống giữa thời đại của thương mại, của tiêu dùng, thật khó tránh khỏi cám dỗ chết người mang tên “mua sắm”. Chúng ta dù ít hay nhiều đều đã có lúc mua về những món đồ để rồi sau đó không bao giờ dùng đến.

Nếu bạn đang có ý định dành dụm cho tương lai, trước khi mua bất cứ thứ gì, hãy cân nhắc thận trọng xem mình có thực sự cần nó hay không. Liệu có phải bạn muốn mua nó chỉ vì nó quá hấp dẫn, đang giảm giá, hoặc được quảng cáo một cách đầy thuyết phục?

Thứ sáu, trả nợ sớm ngày nào tốt ngày ấy

Đây cũng là một bài học nữa giúp bạn tránh khỏi tình trạng nợ nần dai dẳng. Mỗi ngày bạn trì hoãn việc trả nợ là một ngày lãi suất lại lớn thêm lên, và cuối cùng người phải chịu thiệt thòi chính là bạn.

Bên cạnh đó, nếu người cho vay là người thân trong gia đình hay bạn bè, việc trả nợ đúng hạn cũng cho thấy bạn là người lịch sự, biết giữ chữ tín và tôn trọng họ. Họ có thêm lý do để tiếp tục giúp đỡ bạn nếu như bạn gặp khó khăn về sau này.

Thứ bảy, thu nhập là tạm thời và có thể thay đổi, nhưng hãy nhớ rằng, chừng nào bạn còn sống, bạn còn phải chi tiêu.

Câu nói này đặc biệt thích hợp với tình trạng nền kinh tế hiện tại. Bạn có thể có một nền tảng tài chính vững chắc ngày hôm nay, nhưng không một ai có thể nói chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với bạn vào ngày mai. Bạn có thể bỗng dưng mất việc, hoặc ngược lại, trúng số độc đắc hàng triệu đô la. Tuy nhiên, cho dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng nên nhớ rằng bạn luôn luôn có những nhu cầu phải chi dùng trong cuộc sống hàng ngày.

Vì vậy, cho dù tài sản hiện tại của bạn có đang ở mức nào, đừng quên tích trữ và đầu tư cho tương lai.

(Sưu tầm)

Next Post

‘Ông vua mới nổi’ Mark Mobius luôn sáng suốt khi đầu tư nhờ hai câu hỏi

T5 Th5 14 , 2020
‘Ông vua của thị trường mới nổi’ Mark Mobius vẫn sáng suốt ở độ tuổi 80 nhờ luôn đặt ra 2 câu hỏi cấp thiết trước khi đầu tư.
Copyright All right reserved

Chuyên mục