Giá vàng ngày 24/9: Quỹ ETF và ngân hàng trung ương giảm mua vàng

Cầu vàng đang ở mức thấp khi dòng tiền chảy vào các ETF vàng yếu và nhiều ngân hàng trung ương đã ngừng mua vàng như Nga, Trung Quốc …

>> Giá vàng ngày 23/9: Khó tăng khi đồng USD ‘chắn ngang đường’

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới hôm qua giảm sâu và chính thức mất mốc hỗ trợ quan trọng 1.900 USD/ounce. Đến phiên châu Á sáng nay, giá vàng cũng không giữ nổi mốc hỗ trợ tiếp theo 1.860 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.

Việc chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất 2 tháng qua là nguyên nhân chính gây ra áp lực chốt lời lớn trên thị trường vàng.

Theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích thị trường của Kitco, tình trạng đang tiêu cực hơn về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn khi giá vàng đã phá vỡ mức thấp nhất của tháng 8 là 1.874,4 USD/ounce. Mặc dù xu hướng tăng ngắn hạn đã không còn, tuy nhiên, giá vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn hai năm.

Giá vàng ngày 24/9: Quỹ ETF và ngân hàng trung ương giảm mua vàng
Diễn biến của giá vàng trong 24 giờ qua.

Thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu cao hơn vào hôm qua. Tuy nhiên, các chỉ số chính trên thị trường Mỹ lại đồng loạt giảm sâu gồm Dow Jones giảm 1,9%; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 2,4% và 3%.

Giới đầu tư đang phải đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực như số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng nhanh, gói cứu trợ kinh tế ở Mỹ vẫn đang bế tắc và có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 mới có thể được thông qua.

Đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát số ca Covid-19 tăng nhanh gần đây.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không tái phong tỏa đất nước.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 23/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn cần một gói hỗ trợ tài khóa nữa để có thể tiếp tục phục hồi. Gói hỗ trợ cũ đã hết hạn vào cuối tháng 7 nhưng các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đến nay vẫn chưa thống nhất được gói kích thích mới.

Ngoài ra, thông tin đáng chú ý là kể từ tháng 8 đã chứng kiến sự sụt giảm trong dòng vốn ETF vào vàng cùng với việc các ngân hàng trung ương giảm bớt hoạt động mua vàng của họ.

Jeff Christian, Đối tác quản lý của CPM Group, cho biết các ngân hàng trung ương luôn nhạy cảm về giá và sẽ ngừng mua nếu giá quá cao. Khi cuộc chiến giá dầu bắt đầu giữa Ả Rập Xê-Út và Nga vào tháng 4 và giá dầu giảm sâu, Nga đã ngừng mua vàng. Trung Quốc cũng vậy, họ đã mua vàng trong vài năm và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Còn đối với việc nắm giữ quỹ giao dịch hối đoái (ETF) vàng, không phải tất cả các dòng chảy trong năm nay đều từ nhu cầu đầu tư.

Giá vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, tính tới 9h sáng ngày 24/9, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 55,1 – 55,6 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm tương ứng 300.000 – 250.000 đồng (bán ra) so với cuối phiên trước.

Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ngày 24/9 ở mức 55,08 –  55,43 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), giảm tương ứng 370.000 – 420.000 đồng (bán ra) so với cuối phiên trước.

(Theo Kitco, SJC)

Next Post

Chậm gia hạn biểu giá FiT có thể khiến ngành điện gió suy thoái

T5 Th9 24 , 2020
Theo Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), sự chậm trễ trong việc gia hạn biểu giá FiT sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng và gây trở ngại cho việc giảm chi phí tại thị trường điện gió của Việt Nam.
Copyright All right reserved

Chuyên mục